Một bắp ngô luộc ngon hoàn hảo cần phải mọng nước, không bị khô và giữ được vị ngọt hấp dẫn. Làm thế nào để đạt được các yếu tố này, hãy cùng chúng tôi khám phá bí quyết luộc ngô ngọt mềm, mọng nước và tránh những sai lầm không đáng có khiến ngô bị khô, cứng, mất vị ngọt dưới đây nhé.
Bí quyết nào để ngô luộc ngọt hơn?
Sở dĩ ngô luộc có sức hấp dẫn, vì bên cạnh độ thơm dẻo, món ăn này còn có thêm chút vị ngọt thanh, rất kích thích vị giác. Vậy làm thế nào để ngô ngọt hơn khi luộc? Bạn cần áp dụng một số kỹ thuật dưới đây.
– Giữ nguyên vỏ và râu ngô khi luộc: Khi luộc ngô, bạn đừng bao giờ bóc hết lớp vỏ ngô và râu ngô. Chỉ nên bóc lớp vỏ dày bên ngoài, giữa lại khoảng 3 lớp vỏ lụa mỏng bên trong cùng. Cách này đồng thời cũng giữa lại hoàn toàn râu ngô bên trong vỏ. Vỏ ngô giúp ngô thơm hơn, giữa được nước nhiều hơn, đồng thời râu ngô có vị ngọt tự nhiên sẽ giúp hạt ngô trở nên ngọt hơn.
– Cho mía vào: Một trong những bí quyết luộc ngô ngọt hơn là bạn cho mía vào luộc cùng. Mía tước vỏ và cắt khúc khoảng 1-2cm là được, xếp dưới đáy nồi, sau đó xếp ngô lên. Về bản chất, mía có chứa đường nên tiết ra vị ngọt. Vị ngọt tự nhiên của mía sẽ dễ dàng ngấm vào hạt ngô, giúp ngô ngọt hơn. Hơn nữa, ngô luộc cùng mía còn dậy mùi thơm rất hấp dẫn.
– Cho một ít muối và đường khi luộc: Hai nguyên liệu này sẽ làm hạt ngô trở nên ngọt đậm hơn. Với muối, bạn chỉ nên cho một ít thôi nhằm mục đích làm tăng vị ngọt đậm đà của đường. Muối cho quá nhiều thì lượng nhỏ canxi trong chúng có thể khiến hạt bắp bị dai hơn.
Lưu ý: Nếu bạn đã có mía rồi thôi không cần cho đường nữa nhé.
– Cho thêm 1 thìa baking soda: Baking soda với tính hút ẩm cao, vì vậy có khả năng ngăn chặn hạt ngô bị mất nước. Cho thêm nguyên liệu này vào sẽ giúp ngô mọng nước hơn và giữa được độ ngọt tối đa.
Lưu ý, về bản chất baking soda cũng là muối, vì vậy khi đã cho nguyên liệu này vào thì bạn không có muối vào nữa nhé.
Làm sao để ngô luộc mềm và mọng nước hơn?
Bí quyết ở đây là bạn phải căn đúng thời gian ngô chín. Vì sao như vậy? Trong hạt ngô có hai thành phần chính là tinh bột (là dịch sữa chảy ra khi chúng ta cắt hạt ngô non) và pectin (chất keo giữ các thành tế bào bên trong mỗi hạt). Khi nhiệt độ chuyển từ lạnh sang nóng sẽ ảnh hưởng đến hai chất này.
Cụ thể, tinh bột khi hấp thụ nước sẽ trương nở và hồ hóa. Đồng thời, pectin bị hòa tan khiến các thành tế bào không còn liên kết chặt chẽ vào nhau nữa. Kết quả là các hạt ngô trở nên mềm hơn. Tuy nhiên, nếu nấu trong thời gian quá dài, pectin bị hòa tan quá nhiều thì hạt ngô mất độ giòn, thậm chí trở nên dai và khô hơn khi nguội.
Do đó, khi luộc bạn cần phải căn đúng thời gian để đảm bảo độ mềm, mọng nước. Ở điểm này bạn cần chú ý, thời gian luộc ngô được tính từ khi nước sôi chứ không phải từ khi bạn cho ngô lên bếp và đun nóng với nước lạnh. Lý do là khi đạt đến 100 độ C thì pectin mới bắt đầu quá trình hòa tan.
Vì vậy bạn cần tính thời gian bắt đầu từ khi nước sôi. Khi đó, với những bắp ngô cỡ trung bình, sau khi sôi 10 phút là bạn có thể tắt bếp. Nếu là ngô nếp có thể đun thêm khoảng 5 phút nữa.
Sau khi tắt bếp, bạn nên vớt ngô ra ngay, không để ngâm lâu, ảnh hưởng đến độ ngọt và mềm của ngô.
Làm sao giữ được độ ẩm để bắp ngô luộc luôn mềm và mọng nước?
Bí quyết ở đây là bạn cần ngăn chặn tốc độ bay hơi của bắp ngô sau khi vớt ra. Sau khi vớt ngô, nước nóng sẽ đẩy rất nhanh quá trình bay hơi. Nếu bạn để tự nhiên như vậy, chẳng mấy chốc bắp ngô sẽ bị khô, cứng và dai.
Do đó, sau khi vớt ngô lên đĩa, bạn cần lấy một tấm vải ẩm trùm lên trên. Điều này vừa ngăn chặn quá trình bay hơi, vừa giúp bắp ngô luôn trong tình trạng mềm, ẩm và mọng nước.
Lời kết
Trên đây là bí quyết luộc ngô ngọt mềm, mọng nước. Như vậy, một bắp ngô luộc ngon là tổng hợp giữa các yếu tố bao gồm các gia vị cho vào nồi ngô luộc, thời gian luộc và quá trình giữa ẩm sau khi luộc. Chúc bạn áp dụng thành công.