Không chỉ là món ăn quen thuộc hàng ngày, dưa giá còn là món ăn rất được ưa thích trong những dịp lễ tết. Đưa dưa trắng ngần, điểm chút màu cam vàng của cà rốt, màu xanh tương của lá hẹ, giúp mâm cơm sinh động, đồng thời là món ăn chống ngán vô cùng hiệu quả. Hãy cùng tham khảo mẹo làm dưa giá chua giòn dưới đây để cả gia đình cùng thưởng thức trong dịp tết này bạn nhé.
Chọn nguyên liệu làm dưa giá
– Nguyên liệu để làm dưa giá khá đơn giản, bao gồm giá đỗ, cà rốt, hẹ, ngoài ra còn có đường, muối, giấm.
– Đối với giá đỗ, loại phù hợp để làm dưa là loại giá có rễ dài, thân dài, tương đối mảnh, không nên chọn loại giá quá ngắn và mập vì có khả năng cao là chúng được ngâm hóa chất. Bạn cũng không nên chọn giá còn quá non vì chúng sẽ không có được độ giòn cần thiết.
– Cà rốt nên chọn củ còn cứng, màu sáng đẹp, cuống lá còn tươi. Củ cà rốt thon dài, không nên chọn củ quá to vì chúng sẽ xơ, cũng không nên chọn củ bị mất cuống vì chúng đã bị để quá lâu.
– Với hẹ, bạn nên chọn các bó lá tươi, không bị héo, dập, bẻ thử thấy lá giòn là còn non. Không nên chọn lá già, nhiều xơ sẽ làm dưa giá không ngon.
Những bí quyết để muối dưa giá giòn, đậm đà hương vị
Để làm dưa giá, bạn hòa muối, đường, chanh (hoặc giấm) vào nước đun sôi để nguội trong một bát to, khuấy đều cho muối và đường tan hoàn toàn. Sau đó đổ nước này vào hũ đã trộn sẵn các nguyên liệu gồm giá đã rửa sạch, cà rốt rửa sạch thái sợi, lá hẹ (hoặc hành) cắt khúc. Trong đó lưu ý:
– Nước để muối dưa giá phải để nguội, vì nếu nước nóng sẽ làm dưa bị chín nhũn, mất đi độ giòn. Hàm lượng muối chỉ nên vừa đủ, không được mặn quá khiến dưa giá lâu chua và bị xốp, ăn không giòn ngon. Khi pha nước, bạn nếm vị mặn chỉ cần đậm hơn nước canh một chút là được.
– Ngoài nước đun sôi để nguội, bạn có thể thay thế bằng nước vo gạo. Vo gạo sạch với nước lần đầu và bỏ đi. Tiếp đến bạn cho nước sôi để nguội vào vo gạo một lần nữa rồi đổ vào tô sạch. Cho muối, đường, giấm khuấy tan. Nếm thử thấy nước có vị chua chua ngọt ngọt là được (lấy vị ngọt trước vì sau thời gian muối thì nước vo gạo sẽ chua dần).
– Muối dưa giá bằng nước vo gạo sẽ rất mau chua do nước vo gạo dễ lên men, vì vậy, bạn không nên bỏ nhiều đường. Tỉ lệ hợp lý nên là: 1 lít nước, 4 muỗng đường, 2 muỗng giấm). Lưu ý, muối dưa bằng cách này dưa sẽ nhanh chua hơn, nhanh được ăn hơn nhưng cũng để được ít ngày hơn.
– Dưa giá rất nhanh lên men vì vậy bạn chỉ nên làm dưa giá đủ ăn trong 1 – 2 ngày, khi nào ăn lại mới làm tiếp để đảm bảo ăn được dưa ngon nhất. Muốn dưa giá để lâu thì áp cách đầu tiên (không dùng nước vo gạo), khi dưa bắt đầu chua thì bỏ ngay vào ngăn mát tủ lạnh.
– Hũ để muối dưa phải rửa và tiệt trùng cẩn thận. Sau đó để khô hoàn toàn trước khi muối dưa để hạn chế khả năng vi khuẩn khiến dưa bị hỏng, mất ngon. Khi muối xong, bạn cần ấn ấn nguyên liệu xuống ngập trong nước, và lấy vỉ hoặc một chiếc đĩa để nén dưa, giúp dưa luôn giòn và không bị hỏng.
Lời kết
Trên đây là mẹo làm dưa giá chua giòn, ai ăn cũng thích mê. Dưa giá là món truyền thống, rất đơn giản từ nguyên liệu đến cách thực hiện. Khi làm dưa giá, hãy áp dụng thêm những mẹo đã gợi ý như trên để món ăn thêm phần ngon miệng và để được lâu ngày bạn nhé.