Mẹo bảo quản tôm cua và hải sản vận chuyển đường xa luôn tươi ngon

Mùa hè là thời điểm cho những chuyến du lịch về miền biển. Mua hải sản về làm quà là điều không thể thiếu trong những chuyến đi này. Tuy nhiên, làm thế nào để vận chuyển đường dài mà hải sản vẫn tươi, giữ được chất lượng là cả một vấn đề. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu mẹo bảo quản tôm cua và hải sản tươi khi vận chuyển đường xa an toàn, tươi nguyên dưới đây nhé.

Cách chọn hải sản vận chuyển đường xa

Cũng như mọi thực phẩm khác, để bảo quản hải sản đi đường xa về vẫn luôn tươi rói, đầu tiên bạn phải chọn được các loại hải sản tươi sống.

– Đối với cá, hãy chọn những con cá còn sống, bơi khỏe. Nếu cá đã chết, hãy chọn những con mang còn đỏ, thịt còn săn chắc, mắt trong.

– Đối với mực, hãy chọn những con mình dày, chắc thịt, mắt trong, đầu và thân mực vẫn còn dính chắc, túi mực vẫn còn nguyên không bị vỡ. Lớp màng nâu ở bên ngoài vẫn còn óng ánh và bao quanh toàn thân mực. Đối với tôm, Đầu tiên hãy tìm mua những mẻ tôm còn sống, nhảy tanh tách. Nếu không mua được tôm sống, hãy chọn những con còn tươi ngon. Vỏ tôm còn cứng chắc. Không nên chọn những con đã mềm nhũn, có mùi tanh vì chúng đã bị ươn, chất lượng không đảm bảo. 

– Cua, ghẹ: Đối với cua, bạn nên chọn những con cua ngon sẽ có phần yếm chắc chắn và hơi cứng khi bóp vào. Dùng tay bóp vào phần mai cua, nếu chúng cứng cáp thì đó là những con cua chắc thịt. Nếu cảm nhận được độ mềm thì đó là cua bị ốp, ít thịt. Đối với ghẹ, bấm tay vào sát phần yếm (gần chân mái chèo), nếu cảm nhận phần này chắc chắn, không lõm thì đó là ghẹ chắc thịt. 

Cách bảo quản hải sản vận chuyển đường xa

Cách bảo quản cua 

Cua còn tươi sống thì cách bảo quản khá đơn giản. Bạn cho cua vào thùng xốp có đục các lỗ thông khí. Sau đó, lấy một chiếc khăn ướt đắp lên trên để giữ ẩm cho cua rồi đậy nắp lại. Với cách này, bạn có thể vận chuyển cua an toàn trong khoảng 12 tiếng. 

Ngoài ra có một cách khác là bạn xếp khoảng 5 con cua một lượt vào bẹ chuối. Gập bẹ chuối lại ép chặt bụng và mai cua rồi cột chặt đầu bẹ chuối lại. Trong quá trình di chuyển, nên thường xuyên vẩy nước để tránh cua bị khô. Với cách này, bạn có thể bảo quản cua tươi sống trong suốt 1 tuần. 

Đối với ghẹ, loài này có khả năng sống kém hơn cua nên cách bảo quản phức tạp hơn. Đầu tiên bạn yêu cầu người bán cho ghẹ vào bịch nước và bơm thêm oxy, rồi buộc chặt miệng túi. Xếp các bịch nước vào thùng xốp, thả ít đá vào thùng rồi đậy kín nắp, đảm bảo duy trì nhiệt độ khoảng 22 độ C. Với cách này, ghẹ có thể sống được 6-7 tiếng.

Bảo quản tôm 

Đối với tôm sống, phương pháp bảo quản tôm sống tốt nhất là áp dụng phương pháp sốc nhiệt. Hãy bảo người bán chuẩn bị một thùng nước đá lạnh rồi thả tôm vào. Khi bị lạnh đột ngột, tôm sẽ rơi vào trạng thái ngủ đông. Sau đó, cho tôm và nước vào túi nilon, bơm thêm oxy vào rồi cột chặt túi. Cho từng túi vào thùng xốp, dải nhiép lớp đá lạnh và đậy kín miệng thùng. Khi đến nơi, chỉ cần thả tôm vào nước có nhiệt độ bình thường, tôm sẽ sống dậy và khỏe mạnh như thường.

Nếu là tôm chết hoặc bạn không muốn bảo quản theo cách phức tạp như trên, hãy bảo người bán cho vào túi, nếu cần thì có thể hút chân không, rồi xếp vào thùng xốp. Cứ một lớp tôm lại dải một lớp đá. Đậy kín nắp thùng và vận chuyển, bạn sẽ giữ được tôm tươi nguyên khi trở về nhà.

Bảo quản cá biển

Để bảo quản cá biển sống đi đường xa, người ta phải sử dụng phương pháp chuyên dụng như là thuốc gây mê cá, sau đó đóng thùng và vận chuyển. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mua cá về ăn thông thường thì đây là cách khá cồng kềnh và phức tạp. Tốt nhất là cá sau khi mua, bạn yêu cầu người bán sơ chế, loại to thì chặt khúc, sau đó nướng sơ trên bếp lửa. Dùng giấy gói lại và sau đó cho vào hộp kín bảo quản. 

Ngoài ra có một cách khác là cá để nguyên con hoặc chặt khúc, cho vào túi hút chân không rồi cho vào thùng xốp dải đá lên. Cứ một lớp cá lại dải một lớp đá. Với cách này, bạn có thể vận chuyển dễ dàng trong một thời gian dài cá vẫn luôn tươi và đảm bảo chất lượng.

Bảo quản mực

Để vận chuyển mực đi xa, cách tốt nhất vẫn là cho mực vào túi nilon, cột chặt miệng túi. Việc này sẽ giúp cách ly mực với nước, tránh để nước đá tan ra thấm vào mực làm giảm chất lượng mực. Sau đó bỏ mực vào thùng xốp, cứ một lớp mực lại dải một lớp đá. Phần trên cùng phải là một lớp đá. Cách này sẽ giữ độ tươi ngon cho mực trong khoảng 2 – 3 ngày. 

Ngoài ra còn có một cách khác để bảo quản mực tươi lâu và dễ dàng vận chuyển là cấp đông mực. Mực sau khi được cấp đông, xếp mực vào thùng xốp và dải đá lên. Cứ một lớp mực lại một lớp đá. Phần trên cùng phải là một lớp đá. Với cách này bạn có thể giữ mực tươi ngon trong suốt nhiều ngày.

Lời kết

Trên đây là mẹo bảo quản tôm cua và các loại hải sản vận chuyển đường xa. Với những cách này, tôm, chua cá, mực sẽ luôn tươi rói từ vùng biển đến khi bạn trở về nhà. Hãy áp dụng ngay để không còn phải băn khoăn về việc mua và bảo quản hải sản từ khu du lịch trở về nhà nữa nhé.

Nhập bình luận

Kết bạn cùng Bếp nhé!

Bếp sẽ gửi cho bạn những nội dung đặc biệt hữu ích.