Gạo lứt là một loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt đã trở nên phổ biến do có giá trị dinh dưỡng cao. Nếu bạn là người bận rộn và đang sử dụng gạo lứt để thay cho cơm trắng bình thường thì việc nấu một lần cho cả tuần giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. BepXua sẽ bật mí cho bạn cách bảo quản cơm gạo lứt sau một tuần. Cùng tham khảo nhé!
Lợi ích của việc ăn gạo lứt
Gạo lứt là thực phẩm quen thuộc của nhiều người ăn kiêng, nhưng trên thực tế, gạo lứt còn có nhiều công dụng tuyệt vời khác cho sức khỏe của mọi người. Là loại ngũ cốc nguyên hạt chưa tinh chế, nên gạo lứt chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Cùng BepXua tìm hiểu một số lợi ích của gạo lứt nhé!
- Năm 2016, các nhà nghiên cứu trên tạp chí Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng đã kết luận ngũ cốc nguyên hạt bao gồm gạo lứt giúp phòng ngừa các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư.
- Là nguồn cung cấp các chất xơ hòa tan giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu
- Mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường
- Đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất và hỗ trợ giảm cân tốt.
Cách bảo quản cơm gạo lứt
Nếu bạn đang ăn kiêng và cần sử dụng cơm gạo lứt thay thế hoàn toàn cho cơm trắng thì bí quyết bảo quản này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều. Tham khảo nhé!
Chuẩn bị dụng cụ
Để thực hiện phương pháp bảo quản này, bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ quen thuộc sau đây:
- Gạo lứt
- Nước sạch
- Giấy nến
- Giấy bạc
- Giấy note
- Hộp đựng thực phẩm (nếu có)

Cách thực hiện
- Bước 1: Nấu gạo lứt
Đầu tiên, bạn đong một lượng gạo lứt trong một tuần, sau đó cho vào tô lớn vo sơ gạo và ngâm trong nước ấm khoảng 45 phút. Đây là cách bạn có thể áp dụng để cơm gạo lứt dẻo và ngon hơn. Gạo sau khi ngâm, bạn cho vào nồi cơm điện và đổ nước theo tỷ lệ 2:1 (bạn có thể canh mực nước cao hơn phần gạo một đốt ngón tay). Sau khi cơm chín, bạn nên ủ cơm khoảng 10-15 phút để cơm được mềm và nở đều.

- Bước 2: Chia cơm thành phần vừa ăn và đóng gói cẩn thận
Khi cơm gạo lứt nguội, bạn chia nhỏ cơm sao cho phù hợp với khẩu phần ăn của mình. Bạn có thể dùng chén để dễ dàng chia nhỏ cho mỗi bữa ăn. Kế đến, bạn để cơm lên giấy nến và gói lại chắc chắn. Cuối cùng, bọc thêm một lớp giấy bạc và xếp vào hộp đựng, đậy nắp kín lại.
- Bước 3: Dán nhãn và cấp đông
Dùng giấy note ghi ngày, tháng năm để đánh dấu các phần cơm. Đối với phần ăn trong tuần, bạn chỉ cần bỏ vào ngăn mát. Còn với phần ăn trong tháng, bạn nên bỏ vào ngăn đông. Khi muốn dùng cơm, bạn chỉ cần bỏ phần ở ngăn đông xuống ngăn mát trước 2 tiếng.
- Bước 4: Làm nóng lại cơm gạo lứt
Khi ăn cơm gạo lứt, bạn chỉ cần bỏ lớp giấy bạc đi, để lại lớp giấy nến và cho vào lò vi sóng từ 2-3 phút. Cơm sẽ được làm nóng lại và vẫn đảm bảo độ dẻo ngon giống hệt như cơm vừa mới nấu.
Lưu ý khi bảo quản cơm gạo lứt
Để bảo quản cơm gạo lứt tốt nhất, hãy bảo quản cơm trong hộp kín và để trong ngăn mát tủ lạnh. Gạo lứt nấu chín và bảo quản kỹ lưỡng sẽ dùng được trong khoảng 5-7 ngày, bạn nên lưu ý khoảng thời gian để cơm không bị hư hỏng nhé!
Kết luận
Trên đây, BepXua vừa giới thiệu cho bạn cách bảo quản cơm gạo lứt trong một tuần mà không mất quá nhiều thời gian và công sức. Có thể thấy, gạo lứt là thực phẩm tốt cho sức khỏe và phù hợp với mọi đối tượng. Tuy nhiên, nếu ăn lâu dài sẽ gây tình trạng khó tiêu. Vì thế, tốt nhất bạn chỉ nên ăn 10-15 bữa cơm gạo lứt trong một tháng thôi nhé. Chúc các bạn thành công với những mẹo hay cùng Bếp!