Giò thủ là món được lòng hầu hết mọi người, đặc biệt đây còn là một món truyền thống trong mâm cỗ ngày tết. Dưới đây chúng tôi hướng dẫn bạn cách làm giò thủ dẻo dai, chắc nịch, ăn vô cùng ngon miệng. Đặc biệt cách làm rất đơn giản, bạn hoàn toàn không cần dùng đến khuôn hay các dụng cụ phức tạp.
Nguyên liệu và sơ chế
– 4 lỗ tai heo (khoảng 1,5kg), 1kg thịt chân giò (hoặc thịt cốt lết), 800g da heo (hoặc thịt mũi heo, hoặc 1 cái lưỡi), 100g nấm mèo khô, 1 củ hành tây, 1 nhánh gừng, hành tím, tỏi. Các gia vị cơ bản: Muối, hạt tiêu, hạt nêm, đường, nước mắm. Các loại bột hành, bột tỏi, bột quế (nếu có).
– Tai heo làm sạch các chất bẩn bên trong lỗ, rồi rửa sạch. Hành tây bóc vỏ rửa sạch, chẻ đôi, gừng đập dập, hành tím đập dập. Hạt tiêu rang cho thơm. Lấy 1 thìa canh muối hạt đem rang lên sau đó giãn nhỏ, để lát nữa nêm vào giò thủ, giúp giò trong hơn.
– Nấm mèo đem ngâm vào nước trong khoảng 1 giờ cho nấm nở, sau đó rửa sạch.
– Dụng cụ gói giò: 1 cuộn màng bọc thực phẩm, 4 túi nilon hình chữ nhật trong suốt,, 8 vòng dây thun. Túi nilon bạn chọn loại có kích cỡ to. Nếu gói 0,5kg/gói thì chọn túi 1kg. nếu gói 1kg/gói thì chọn túi 2kg.
Cách thực hiện
Bước 1: Luộc tai heo và da heo
Đổ nước vào nồi, lượng nước đủ để ngập mặt lượng tai và da heo rồi cho các nguyên liệu này vào. Nếu bạn dùng lưỡi thì cho lưỡi vào luôn. Tiếp đó cho thêm các gia vị và nguyên liệu sau: 1 thìa muối, củ hành tây đã chẻ đôi, 1 củ gừng và 2 củ hành tím đập dập. Sau đó bạn đậy nắp, luộc cho nguyên liệu chín (khoảng 20 phút).
Riêng đối với lưỡi heo, bạn chú ý từ khi cho vào nồi cho đến khi nước nóng tầm 70-80 độ C là bạn vớt ra. Mục đích của việc cho lưỡi heo vào không phải để luộc, mà chỉ là chần sơ để lưỡi bong phần màng màu trắng ra. Lúc này, bạn lấy lưỡi ra, cạo sạch lớp màng này. Thịt và lưỡi nên để sống sẽ giữ lại vị ngọt tối đa.
Tai và da heo sau khi luộc chín, bạn cho ngay vào thau nước lạnh để chúng được trắng, không bị thâm đen. Ngâm đến khi các nguyên liệu nguội thì bạn vớt ra để ráo.
Bước 2: Thái tai heo và các nguyên liệu
Tai và da heo sau khi để ráo, bạn đem thái thành những miếng dài vừa ăn. Bạn không nên thái mỏng quá nguyên liệu này sẽ bị mềm, không được giòn khi ăn, nhưng cũng không nên thái quá dày, chúng sẽ không thấm gia vị và khi ăn sẽ bị cứng. Nên thái miếng có độ dài khoảng 3mm là được.
Phần thịt chân giò hoặc thì cốp lết, bạn thái miếng dọc, sau đó thái thành miếng hình chữ nhật, kích cỡ to bằng ⅓ đốt ngón tay và dài hơn 1 đốt ngón tay. Không nên thái nhỏ ăn sẽ bị khô, nhưng thái quá dày ăn sẽ bị dính răng. Lưỡi heo (nếu có) bạn cũng thái tương tự.
Phần nấm mèo bạn cũng đem thái to bản, một lát dài tầm ½ đốt ngón tay. Không nên thái quá mỏng, khi xào nấm sẽ bị nát và ăn không được giòn.
Bước 3: Pha hỗn hợp gia vị ướp
Bạn cho vào tô các nguyên liệu sau: 3 muỗng canh hạt nêm, 2 muỗng canh đường, 1,5 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê muối đã rang và giã nhỏ, 1 muỗng cà phê bột tiêu, 1 muỗng cà phê hạt tiêu, 1/2 muỗng cà phê bột hành, 1/2 muỗng cà phê bột tỏi, 1/2 muỗng cà phê bột quế.
Bột hành, bột tỏi, bột quế bạn có thể đặt mua ở các siêu thị. Nếu không có thì có thể bỏ qua, cho thêm 1 thìa hành băm là được. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị đầy đủ vì các nguyên liệu này sẽ giúp món ăn dậy mùi thơm và hấp dẫn hơn nhiều. Sau khi cho gia vị vào tô, bạn đem trộn đều để tạo thành một hỗn hợp sền sệt.
Bước 4: Ướp nguyên liệu cùng gia vị
Cho tất cả nguyên liệu thịt, tai, da (hoặc lưỡi) vào một dụng cụ phù hợp. Sau đó bạn cho hỗn hợp gia vị đã pha vào rồi dùng tay nhào trộn cho thật đều.
Bước 5: Xào giò
Cho vào chảo nửa chén dầu ăn, cho thêm hành tỏi băm vào phi thơm. Sau đó cho toàn bộ thịt và tai heo đã ướp vào. Xào đến khi thịt săn lại, chuyển hoàn toàn từ màu đỏ sang màu trắng, lúc này bạn cho 1 chén nước sôi vào.
Xào đến khi hỗn hợp rút cạn nước và đổ nhựa keo sánh, lúc này bạn cho mộc nhĩ đã thái sẵn vào. Đảo trong vòng 5 phút là được Không xào mộc nhĩ quá lâu chúng sẽ bị não và giò còn bị đen nữa. Cuối cùng, bạn có thể rắc thêm ½ thìa bột hành, ½ thìa bột tỏi, ½ thìa bột tiêu vào, 1 thìa hạt tiêu vào, đảo đều và tắt bếp.
Bước 6: Gói giò
– Nguyên liệu xào xong, bạn để hạ nhiệt độ đến khi nguội hoặc khi chỉ còn hơi ấm ấm thì đem ra gói giò.
– Xúc hỗn hợp nguyên liệu đã xào vào túi nilon. Trọng lượng mỗi túi tùy bạn, có thể là 0,5kg, hoặc 1kg/túi. Tiếp đó bạn đặt ngang túi, dàn đều nguyên liệu theo chiều dọc, cuộn hết phần còn thừa của túi ở phía trên lại ép sát vào thân gói giò, rồi lấy 1 chiếc dây thun cột nhẹ miệng túi lại để định hình. Sử dụng một chiếc tăm nhọn liên tục chọc xung quanh thân túi để không khí bên trong thoát hết ra ngoài.
– Tiếp đó, đặt túi này lên trên màng bọc thực phẩm và gói chắc lại. Trong quá trình cuốn, bạn cũng liên tục dùng tăm chọc để không khí có thể thoát ra ngoài. Cho đến vòng cuối cùng thì thôi không cần chọc nữa. Bạn cuốn khoảng 10 vòng, càng cuốn nhiều vòng màng bọc thực phẩm thì giò càng chắc.
– Sau khi cuốn xong, bạn lấy dây thun cột chắc hai đầu cây giò lại. Cuối cùng bạn cho giò vào ngăn mát tủ lạnh. Để từ 5-6 tiếng là giò sẽ đông lại.
Bước 7: Trình bày và thưởng thức
Giò cuốn theo cách này vừa dễ, vừa nhanh lại rất chắc chắn. Giò dai giòn, không bị ra nhựa và còn rất thơm.
Giò thủ là món ăn truyền thống trong ngày tết. Bạn có thể chấm tương ớt hoặc nước mắm tiêu, ăn cùng bánh chưng, bánh tét, bánh tẻ, xôi, dưa hành… đều rất ngon. Giò có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh cả tuần vẫn ngon, không bị chua.
Lời kết
Trên đây là chi tiết cách làm giò thủ dai giòn, chắc nịch mà không cần dùng khuôn. Tết sắp đến rồi, hãy trổ tài làm ngay món này theo công thức chuẩn của chúng tôi để mâm cỗ thêm đầy đặn và hấp dẫn nhé.
Source: Sức Khoẻ Tâm Sinh