Các loại rau xanh, cà chua, dưa chuột, đậu đỗ… đều có khả năng tồn đọng lượng hóa chất độc hại rất lớn. Do vậy bạn hãy làm theo cách dưới đây để khử sạch thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe gia đình trước khi ăn.
Những loại rau quả chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao bậc nhất
Các loại rau xanh, lá mọng mềm, nhiều nước, như các loại rau họ cải, su hào, súp lơ, rất được các loài sâu yêu thích. Chúng thường tập trung với mật độ dày và tàn phá với diện tích lớn. Bên cạnh đó, những loại quả như đậu đỗ, cà cũng thu hút rất nhiều sâu ăn lá. Dưa leo, mướp đắng, bầu canh… ngoài bị các loại côn trùng ăn lá, chúng còn trực tiếp hút chích vào quả, dẫn đến quả bị chảy nước, cong, vặn vẹo, hỏng thối…
Do đó, để hạn chế thiệt hại, người trồng sẽ phải phun lượng lớn thuốc sâu. Thuốc trừ sâu thường được phun theo đợt, tùy vào độ tàn phá của sâu. Thậm chí gần đến ngày thu hoạch người trồng vẫn có thể phun rồi thu hái chỉ 1-2 ngày sau đó. Do vậy, dư lượng thuốc trừ sâu trong các loại rau quả này thường rất cao. Cà chua phát triển trong môi trường ẩm thấp nên dễ sinh bệnh, cần phải sử dụng thuốc diệt nấm, dù loại thuốc này gây hại cho cơ thể ít hơn với thuốc trừ sâu.
Trong khi đó, các loại rau có mùi thơm như rau cần, cần tây, rau gia vị… ít tồn động hóa chất độc hại hơn, vì mùi thơm và tinh dầu có trong chúng được xem như một loại thuốc đuổi sâu và côn trùng tự nhiên.
Phương pháp khử sạch dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ
Bước 1: Vặt sạch các bộ phận bị dập nát
Khi rau củ bị dập nát, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ có cơ hội ngấm sâu vào bên trong. Khi đó, hầu như mọi biện pháp khử hóa chất đều không còn mấy tác dụng. Do đó, bạn cần loại bỏ hết các thành phần bị dập nát này trước khi sơ chế.
Bước 2: Phơi rau củ dưới ánh nắng
Ánh nắng mặt trời với nhiệt độ cao và tia cực tím có tác dụng phá vỡ các phân tử thuốc bảo vệ thực vật, từ đó làm chúng dễ bị phân giải. Trước khi đem đi sơ chế, bạn nên phơi rau củ dưới ánh nắng mặt trời ít nhất trong 5 phút. Với cách này, lương lượng hóa chất độc hại có thể giảm được đến 60%.
Bước 3: Ngâm rau quả trong nước
Ngâm rau quả trong nước một thời gian giúp làm trung hòa độc tố và loãng nồng độ hóa chất, nhờ đó việc rửa rau sau đó sẽ sạch hơn. Bạn nên ngâm trong nước lạnh hoặc nước vo gạo từ 5-10 phút trước khi rửa.
Bước 4: Rửa rau củ dưới vòi nước chảy
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt rau quả sẽ giảm 70-80% sau 1 trận mưa rào. Do vậy, bạn nên áp dụng điều này với việc rửa rau. Việc rửa từng lá rau vài lượt dưới vòi nước chảy mạnh sẽ giúp rửa trôi tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Bước 5: Làm nóng rau quả ở nhiệt độ cao
Nhiệt độ cao là cách hiệu quả bậc nhất trong việc phân giải dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo các nghiên cứu, rau củ nếu được chần qua nước sôi 2 phút sẽ giảm được 30% dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Còn nếu được nấu chín, tỷ lệ giảm sẽ lên đến 90%.
Lưu ý
– Đối với các loại quả có vỏ như dưa chuột, cà tím, cà chua, bầu canh… tốt nhất nên rửa sạch, gọt vỏ rồi mới ăn.
– Các loại rau như bắp cải, xà lách, cải thảo, việc loại bớt lá ngoài có thể loại trừ được một lượng đáng kể thuốc bảo vệ thực vật.
– Khi ngâm rửa, cần phải ngâm riêng từ loại rau củ một, tránh tình trạng hóa chất sẽ nhiễm chéo giữa các loại rau quả.
– Sau khi rửa sạch rau, bạn nên pha loãng 10% giấm trắng với 90% nước, hoặc vắt ½ quả chanh vào chậu nước, hoa tan sau đó cho rau vào ngâm. Thành phần axit trong chanh và giấm đậm đặc có tác dụng hỗ trợ loại vi khuẩn và virus lên tới 90-95%. Chúng cũng có tác dụng nhất định trong việc loại sạch dư lượng hóa chất độc hại. Nên ngâm trong vòng khoảng từ 10-20 phút tùy loại, sau đó vớt rau và rửa sạch lại bằng nước sạch.
Lời kết
Trên đây là cách khử sạch dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Ôn nhiễm hóa chất trong rau củ vẫn luôn là vấn đề rất đáng lo ngại tại nước ta, nhất là ở các chợ truyền thống. Vì vậy, hãy áp dụng những bước như trên để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bạn nhé.