Dao làm bếp cần phải sắc, nhưng sau một thời gian sử dụng, dao sẽ không còn sắc như ban đầu nữa. Tùy vào cách dùng của bạn mà độ sắc của dao có thể kéo dài hay rút ngắn. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ mách nhỏ bạn mẹo sử dụng để dao luôn sắc bén và bền lâu trong thời gian dài nhé.
Bôi dầu ăn lên dao mới mua trước khi bắt đầu sử dụng
Những người thợ làm dao truyền thống của Việt Nam luôn khuyên khách hàng nên bôi dầu ăn đều lên thân và lưỡi dao khoảng 20 phút trước khi sử dụng. Cách này sẽ giúp dao sắc bén, bền bỉ, ít bị hoen rỉ trong quá trình sử dụng.
Không rửa dao với nước rửa chén
Nước rửa chén có độ tẩy mạnh sẽ ảnh hưởng đến độ bền bỉ, sắc bén của dao. Tốt nhất, bạn nên rửa dao với nước nóng và một miếng bọt biển mềm.
Ngoài ra bạn cũng lưu ý không bao giờ ngâm dao dưới nước hoặc cho vào máy rửa bát. Ngâm dao trong thời gian lâu sẽ hình thành nấm mốc, làm chuôi gỗ bị lỏng, khiến dao của bạn khó sử dụng. Còn cho dao vào máy rửa bát có thể khiến lưỡi dao bị va đập mạnh với những đồ vật khác trong máy rửa bát, làm dao sứt mẻ.
Hãy hình thành thói quen luôn luôn rửa dao thớt ngay khi sử dụng. Sau khi rửa, bạn cần lau khô và cất nơi khô thoáng.
Thường xuyên mài dao bằng dụng cụ thích hợp
Dù bạn có giữ gìn như thế nào thì sau một vài lần sử dụng, dao sẽ không còn độ sắc bén như ban đầu. Do đó nếu bạn muốn dao luôn sắc lẹm, nên mài dao hàng tuần để sử dụng tốt nhất. Còn nếu không, bạn cũng nên mài dao ít nhất 6 tháng một lần.
Tuy nhiên, bạn cần phải biết cách mài dao và mãi bằng dụng cụ thích hợp. Không phải dụng cụ mài dao nào cũng có thể mài được mọi loại dao. Tùy vào mức độ cùn của dao để chọn loại đá mài thích hợp. Bạn có thể tham khảo thêm Cách mài dao bằng đá mài sắc ngọt như mới
Mài dao cũng cần đúng kỹ thuật. Nếu bạn không biết mài, lưỡi dao đang sắc cũng có thể bị cùn hơn nữa. Do đó, khi bạn không tự tin vào kỹ năng của mình, hãy thuê người mài cho chắc chắn nhé.
Dùng mỗi loại dao vào đúng mục đích
Dao thái thịt cần sắc lẹm, trong khi dao chặt xương cần thiết hơn ở độ to, nặng, dao gọt trái cây ngoài độ sắc còn cần có mũi nhọn để dễ tỉa tót. Mỗi loại dao có mục đích sử dụng khác nhau nên bạn không bao giờ nên tranh thủ sử dụng một con dao cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một mặt có thể khiến dao cong mẻ, mặt khác còn làm vi khuẩn lây lan dễ gây bệnh.
Cách chữa các vết ố, gỉ sét trên dao
Dao sau một thời gian dùng sẽ không còn được sáng bóng, mà xuất hiện các vết ố, rỉ sét, ảnh hưởng đến chất lượng của dao. Khi tình trạng trên xuất hiện, bạn có thể xử lý bằng một trong những cách như sau:
– Khoai tây: Cắt đôi củ khoai tây theo chiều dọc, dắt mùi dao cố định trên mặt sàn và chà mạnh lên khắp thân dao, nhất là nơi rỉ sét. Sau đó, bạn dùng vải mềm đánh bóng lại.
– Chanh: Vắt nước cốt chanh, rồi dùng bông gòn chấm vào và chà mạnh lên chỗ bị gỉ, ố, xoa đều lên khắp thân dao. Để yên trong khoảng 5 đến 10 phút rồi dùng vải sạch đánh bóng lại.
– Nước gạo: Đối với các dụng cụ kim loại như dao, muôi, thìa… sau khi dùng xong, bạn có thể ngâm vào trong nước gạo đặc. Loại nước này vừa chống gỉ, vừa tẩy sạch vết gỉ. Sau khi ngâm, bạn dùng vải sạch chà kỹ rồi rửa lại, để nơi khô thoáng.
– Hành tây: Cắt đôi củ hành tây sau đó chà mạnh lên thân dao. Bạn chà đến đâu vết hoen gỉ sẽ sạch đến đó.
Lời kết
Trên đây là mẹo sử dụng để dao luôn sắc bén và bền bỉ. Dao là dụng cụ “bất ly thân” trong nhà bếp. Vì vậy hãy sử dụng và bảo vệ dao đúng cách để chúng luôn giúp bạn chế biến món ăn dễ dàng và nhanh chóng hơn nhé.