Canh chua, sườn rán chua ngọt, nộm… và rất nhiều món ăn hàng ngày cần đến vị chua. Tuy nhiên chỉ cần cho hơi quá tay một chút là vị chua trở nên “đậm đà”, làm hỏng món ăn ngon và cũng rất khó chữa. Hãy học ngay 5 mẹo chữa món ăn quá chua hữu hiệu dưới đây để dù có “lỡ tay” cũng sẽ không làm hỏng bữa ăn ngon nhé.
Đổ thêm nước để giảm vị mặn
Có lẽ bạn không biết rằng độ chua của món ăn bị ảnh hưởng nhiều bởi độ mặn. Cụ thể độ mặn càng ít thì càng ít cảm giác chua, độ mặn càng nhiều thì vị chua sẽ càng tăng. Do vậy “tai nạn” do món ăn quá chua thường xảy ra khi bạn cho các vị chua vào trước như chanh, mẻ, me, giấm… vào trước trước khi nêm nếm vừa muối và các gia vị khác. Khi bạn cảm thấy vị chua đã vừa thì mới muối vào, kết quả là tạo ra một sản phẩm chua loét.
Để cứu vãn trường hợp này, bạn cho thêm nước trắng vào. Nước trắng sẽ làm giúp canh nhạt đi, đồng thời làm loãng các chất gây chua, từ đó vị chua sẽ giảm nhiều. Lúc này bạn chỉ việc nêm nếm gia vị cho vừa là xong.
Cho thêm đường
Đây cũng là cách không thể thiếu để chữa món ăn bị chua. Vị ngọt của đường sẽ làm cân bằng vị chua, giúp món ăn vừa miệng hơn. Để đảm bảo lượng đường vừa vặn nhất, bạn không nên cho đường trực tiếp vào món ăn. Bởi vì cho như vậy, đường lâu tan, bạn dễ lầm tưởng là đường chưa đủ nên lại cho thêm vào. Điều này dẫn đến món ăn bị ngọt và bạn từ việc phải chữa vị quá chua sang chữa vị quá ngọt.
Tốt nhất là bạn hòa đường vào một ít nước nóng cho tan, sau đó múc từ từ từng thìa cho vào món ăn, trộn đều. Khi nào nếm thấy đã vừa miệng thì dừng lại.
Sử dụng rượu trắng
Đối với các món có nước như sốt, xào, xốt rim, canh chua… bạn có thể sử dụng rượu trắng. Rượu trắng có tác dụng trung hòa vị chua, giúp món ăn vừa miệng hơn. Chỉ cần sử dụng 1-2 thìa rượu trắng cho vào nồi và đun sôi lên, vị chua đậm trong thức ăn sẽ giảm đi rất nhiều. Khi được đun sôi, mùi rượu sẽ bay hết nhưng vẫn giúp món ăn trở nên thơm ngon và đậm đà hơn.
Hút vị chua bằng cà rốt cắt khúc
Đây cũng là cách đơn giản nhưng rất hiệu quả. Bạn gọt vỏ cà rốt, cắt thành những khúc vừa ăn rồi cho vào nồi canh. Cà rốt có tác dụng hút bớt vị chua trong nồi canh, đồng thời lại tiết ra vị ngọt làm cân bằng hương vị.
Lưu ý với cách này, bạn cần cho cà rốt vào nồi nước canh khoảng 15 phút hoặc khi cà rốt trở nên thật mềm mới bỏ đi nhé. Để cà rốt nhanh mềm, bạn có thể cắt lát mỏng hơn.
Cho thêm rau và các nguyên liệu khác
Để giảm bớt vị chua mà không ảnh hưởng đến các gia vị khác của món ăn, một cách đơn giản nữa bạn có thể làm là cho thêm các loại rau hay nguyên liệu khác vào để vị chua phân tán rộng hơn. Tất nhiên các nguyên liệu này đảm bảo không có vị chua.
Ví dụ với canh chua, bạn có thể cho thêm giá đỗ, dọc mùng, rau muống… Với món nộm, bạn có thể cho thêm các loại nguyên liệu có vị ngọt hoặc không có vị chua khác, ví dụ cho thêm thịt, các loại rau củ, cho thêm nhiều rau thơm và đậu phộng hơn một chút. Bằng cách này chắc chắn vị chua sẽ giảm đi rất nhiều.
Lời kết
Trên đây là 5 mẹo chữa món ăn quá chua hữu hiệu. Tuỳ vào từng loại món ăn và độ chua khác nhau bạn hãy linh hoạt áp dụng sao cho phù hợp nhất nhé. Các món ăn có vị chua ngọt luôn làm khó chúng ta trong việc nêm nếm gia vị hơn mọi món bình tường khác. Do đó hãy lưu ngay những mẹo nhỏ vào vào sổ tay nấu ăn để luôn chủ động khi tình trạng “quá tay” với vị chua xảy ra nhé.