Vắt cam tưởng là việc đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp. Phức tạp ở chỗ bạn phải làm thế nào để đảm bảo được cả hai yếu tố: Vắt được nhiều nước nhất mà không bị đắng. Vậy vắt làm sao để đạt được cả hai mục tiêu này? Hãy tham khảo ngay mẹo vắt cam kiệt nước của chúng tôi dưới đây.
Nguyên nhân khiến nước cam vắt bị đắng
Khi uống nước cam vắt, ngoài vị ngọt thanh, đôi khi bạn còn cảm nhận cả vị đắng trong đó nữa. Nguyên nhân là do kỹ thuật vắt của bạn chưa tốt. Thủ phạm khiến nước cam bị đắng chính là tinh dầu trong vỏ cam. Mặc dù chúng có tác dụng tốt cho sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa, giúp trị ho và giảm đau, tuy nhiên chúng có vị cay và đắng, ảnh hưởng đến vị ngon của ly cam vắt.
Thực tế nếu vắt bình thường, nước cam sẽ không bị đắng. Tuy nhiên do chưa xử lý vỏ cam trước, đồng thời bạn cố vắt kiệt để vắt được nhiều nước nhất. Điều này vô tình ép cả tinh dầu trong vỏ cam chảy ra, hòa lẫn với nước cam gây đắng. Nếu bạn uống ngay, sẽ cảm nhận được vị đắng nhẹ. Tuy nhiên nên để một thời gian, phần tinh dầu nổi lên trên, sẽ cảm nhận rất rõ vị đắng.
Bên cạnh đó, nước cam còn có thể bị đắng khi để ngoài không khí quá lâu. Đó là do trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, các hợp chất limonoid được tạo thành sẽ gây ra vị đắng. Tuy nhiên, nguyên nhân này thì khắc phục dễ hơn bằng cách pha đến đâu uống ngay đến đó. Còn nước cam đắng do kỹ thuật vắt thì bạn cần áp dụng phương pháp dưới đây nhé.
Vì sao bạn vắt nước cam không được nhiều?
Khi trái cam còn tươi, kết cấu của vỏ cam, múi cam, tép cam đều khá vững chắc. Chính vì vậy, lực ép từ tay bạn dù lớn thế nào cũng khó mà phá vỡ kết cấu của chúng. Vì vậy kết quả bạn thu được là khá ít nước. Một phần vẫn còn nằm trong các múi và tép cam mà bạn chưa thể vắt được.
Chính vì vậy, muốn vắt cam được nhiều nước nhất, điều cơ bản là bạn phải phá vỡ được thành tế bào của quả cam, phá vỡ kết cấu rắn chắc của chúng. Nhờ vậy nước cam sẽ chảy ra nhiều hơn.
Mẹo giúp bạn vắt kiệt nước cam và không lo bị đắng
Có một điều đặc biệt ở phương pháp chúng tôi sắp hướng dẫn dưới đây, đó là khi bạn áp dụng, bạn vừa vắt kiệt hết nước trong quả cam, mà cũng khắc phục luôn cả vị đắng có thể có. Phương pháp đó chính là làm nóng quả cam.
Bạn có thể chọn một trong 3 cách làm nóng quả cam như sau:
– Dùng tăm đâm nhiều lỗ lên vỏ quả cam. Sau đó, cho quả cam vào lò vi sóng ở nhiệt độ cao khoảng 20 giây. Lưu ý đừng đâm quá mạnh kẻo chạm vào múi cam gây đắng nhé
– Ngâm cam vào một bát nước nóng khoảng 30 giây.
– Bật lò nướng ở nhiệt độ khoảng 150 độ C cho lò nóng, sau đó tắt lò, cho cam vào lò khoảng 3 phút rồi lấy ra để nguội.
Sau thời gian làm nóng, bạn lấy cam ra, để nguội. Sau đó để cam lên mặt bàn, dùng tay lăn đều quả cam. Lúc này, khi cam đã mềm, kết cấu bị phá vỡ, cùng với áp lực khi lăn sẽ giúp phá vỡ thành tế bào của quả cam, giúp nước chảy ra dễ dàng. Bạn hoàn toàn có thể vắt kiệt đến giọt cuối cùng.
Điều quan trọng nữa là trong quá trình làm nóng, tinh dầu cũng dễ dàng bị bốc hơi hoặc hòa vào nước. Vì vậy, khi vắt vị đắng từ tinh dầu cũng được khắc phục.
Ngòi ra, để vắt nước được nhiều nhất và đảm bảo hoàn toàn không bị đắng, bạn nên dùng dụng cụ vắt để đạt hiệu quả tối đa nhất.
Lời kết
Trên đây là mẹo vắt cam kiệt nước và khắc phục hiện tượng bị đắng khi vắt. Hãy áp dụng ngay phương pháp này để luôn mang đến ly nước cam hoàn hảo nhất cho bản thân và gia đình thưởng thức bạn nhé.