Đậu đỗ, rau cải, súp lơ, cà pháo… với đặc tính dễ bị sâu bệnh tấn công, vì vậy là những loại rau dễ nhiễm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bậc nhất . Vì vậy, mẹ hãy cân nhắc trước khi mua để bảo vệ sức khỏe cả nhà.
Đậu cô ve
Đậu cô ve luôn đứng đầu trong danh mục những loại rau quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu nhất. Lý do là loài cây này rất dễ bị sâu phá hoại. Khi đã nhiễm sâu nếu không phun, sau vài ngày chúng có thể cuộn chặt ngọn lá hoặc ăn lá xơ xác. Không chỉ thế sâu còn có thể đục quả làm giảm chất lượng.
Chính vì vậy khoảng vài ngày nông dân lại phải phun thuốc trừ sâu một lần. Trong khi đó khoảng cách giữa các lứa quả rất ngắn, chỉ 5 – 7 ngày là có thể thu hoạch một lần. Dư lượng thuốc trừ sâu sẽ không kịp phân giải mà có thể ngấm vào bên trong qua lớp vỏ rất khó để rửa sạch.
Rau cải lá xanh
Hầu hết các loại rau cải như cải xanh, cải thìa, cải ngọt…. đều có khả năng chứa hàm lượng lớn thuốc trừ sâu rất cao. Bởi vì các loại rau họ nhà cải thu hút rất nhiều loại sâu bọ ăn lá. Nếu không có biện pháp, chỉ sau ít ngày, sâu có thể bám dày đặc, phá hủy cả vườn rau, hoặc làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng. Do đó, khi trồng rau này, nông dân phải thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu với tần suất rất dày. Điều này làm tăng nguy cơ tồn dư dư lượng hóa chất trên lá rất cao.
Dưa chuột (dưa leo)
Dưa chuột cũng là loại cây bị rất nhiều sâu bệnh gây hại. Đặc biệt trên loài cây này có loại côn trùng là bọ dưa (bọ bầu vàng). Chúng có sức tàn phá rất khủng khiếp. Ngoài ra còn có bọ trĩ, bọ rùa và cá loại sâu ăn lá khác.
Nếu không sử dụng thuốc, chỉ sau vài ngày ruộng dưa có thể bị ăn xơ xác. Vì vậy khi trồng dưa, người nông dân thường phải phun với tần suất dày đặc, 5-7 ngày/lần. Dưa có đặc tính ngắn ngày, các lứa quả cách nhau rất ngắn. Nên thời gian phun thuốc và thu hoạch dưa có thể không đủ để thuốc phân hủy hết, dẫn đến dư lượng thuốc vẫn còn tồn đọng rất nhiều trên quả.
Dưa chuột có hai vụ chính trong năm: Vụ xuân (từ tháng 2 – tháng 5) và vụ đông (từ tháng 9 – tháng 12). Trong đó, vụ xuân là giai đoạn nhiều sâu bệnh nhất.
Cà pháo
Cà pháo cũng là loại cây trồng chịu sự phá hoại rất nặng nề của sâu bệnh. Loại cây này có khoảng cách giữa các lứa quả rất ngắn. Tuy nhiên vào thời điểm thu hoạch cũng là lúc sâu bệnh hay hoành hành nhất. Vì vậy, suốt thời gian thu hoạch người ta thường xuyên phải phun thuốc từ 7-10 ngày/lần, thậm chí ít ngày hơn. Do đó, cà pháo cũng rất dễ nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Súp lơ, su hào
Súp lơ, su hào thường được trồng cùng thời điểm, có đặc tính sinh học gần như nhau nên có thể được trồng gần nhau. Ở miền Bắc và miền Trung, chúng thường được thu hoạch đúng vụ là vào mùa đông, kéo dài tới mùa xuân.
Cả hai loại này đều có nhiều sâu bệnh, đồng thời chúng cũng rất dễ tổn thương khi bị sâu bệnh tấn công. Su hào thường bị sâu xanh ăn sạch lá, trong khi súp lơ cũng bị loài sâu này ăn lá và ăn bông, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Vì vậy chúng cũng thường phải phun thuốc bảo vệ thực vật với tần suất rất dày.
Bắp cải
Bắp cải cũng thuộc họ cải nhưng chúng xứng đáng được đưa ra một mục riêng để sự cảnh báo trọng lượng hơn. Bắp cải thường được thu hoạch vào vụ đông và xuân. Một số vùng khí hậu mát mẻ có thể trồng quanh năm nhưng không nhiều.
Cũng như nhiều loại rau cải khác, bắp cải cũng bị rất nhiều loài sâu tấn công, nhất là loài sâu xanh ăn lá. Nếu không phun, chúng có thể ăn hết lá ngoài và ăn mòn các bẹ lá non của bắp cải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng. Sâu bệnh nặng đến nỗi, nhiều nơi cứ sau 4-5 ngày lại phải phun một lần. Do đó, bắp cải đứng đầu trong tốp những loại rau có nguy cơ nhiễm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật nhất.
Thường thì từ đầu đến giữa vụ đông, bắp cải chính vụ sẽ ít sâu hơn. Càng gần cuối vụ, sâu bệnh càng hoành hành nặng, vì vậy tình trạng nhiễm thuốc càng nặng nề hơn.
Lời kết
Trên đây là 6 loại rau dễ nhiễm tồn dư thuốc trừ sâu nhất, bạn nên thận trọng khi mua. Nói thận trọng chứ không có nghĩa là bạn hoàn toàn gạt bỏ các loại rau bổ dưỡng này. Để đảm bảo rau an toàn, bạn có thể mua tại các địa chỉ bán rau sạch uy tín. Hoặc nếu không, một mẹo nhỏ hiệu quả khác là bạn nên ăn vào thời điểm chính vụ. Lúc này rau sẽ ít bị nhiễm sâu bệnh nhất và vì rau quá nhiều và rẻ nên nông dân cũng không cần sử dụng nhiều phân bón, hóa chất để tăng cường năng suất cho cây.