Nồi đất có khả năng giữ nhiệt tốt và mang lại mùi vị thơm ngon hơn cho món ăn, vì vậy được rất nhiều gia đình ưa chuộng. Tuy nhiên, dùng loại nồi này như thế nào cũng cần có phương pháp, nếu không nồi sẽ rất dễ bị nứt, vỡ. Dưới đây là những mẹo dùng nồi đất bền, kéo dài tuổi thọ tối đa.
Vì sao cần phải quan tâm đến cách sử dụng nồi đất đúng cách
Nồi đất được làm bằng đất sét, trải qua quá trình đun nóng và tráng men. Chất liệu đất giúp giữ nhiệt rất tốt, hơn hẳn các loại nồi bằng kim loại. Hơn nữa chúng lại mang lại cho các món ăn như cá kho, thịt kho hương vị độc đáo, đậm đà màu sắc cổ truyền. Tuy nhiên đây cũng là nhược điểm lớn nhất của loại nồi này.
Nồi đất rất dễ vỡ. Bạn không thể mua về rồi ngay lập tức bỏ lên bếp nấu như thông thường. Nồi có khả năng thích nghi kém với nhiệt độ cao. Chúng rất dễ bị nứt vỡ, rò rỉ khi có thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Nồi cũng dễ bị hấp thụ ẩm, lâu khô, dễ gây mốc nếu lâu ngày không sử dụng. Một điểm nữa là nồi đất không thể sử dụng chất tẩy rửa thông thường, vì chúng có thể ngấm vào nồi rồi ngấm ngược lại vào thức ăn. Do đó việc sử dụng và làm sạch nồi đất đều cần phải kiên nhẫn, cẩn thận.
Cách sử dụng nồi đất đúng cách
Khi mới mua nồi đất về, bạn không được cho lên bếp nấu đồ ăn ngay. Bạn có 2 phương pháp giúp nồi bền, không bị sốc nhiệt và nứt vỡ.
Cách thứ nhất, bạn ngâm nồi và nắp nồi vào nước lạnh khoảng 10-15 phút. Sau đó, bạn lấy một nửa nồi nước, cho vào một nắm gạo và nấu nhừ gạo như nấu cháo. Trong quá trình nấu cần khuấy thường xuyên như nấu cháo bình thường. Sau khi nấu xong, bạn bỏ đi, rửa sạch nồi là có thể đem dùng.
Cách thứ 2, bạn cho vào 2 nắm cát xây dựng và rang khô. Cát sẽ giúp hút sạch hơi ẩm còn lại trong nồi và giúp mặt nồi bóng láng. Ngoài ra với cách này, nồi cũng sẽ quen dần độ nóng, không bị sốc nhiệt khi nấu. Khi cát thật nóng, bạn nhớ đậy nắp nồi lại để cả nắp nồi cũng được làm quen với nhiệt nhé.
Trong quá trình sử dụng nồi đất, bạn cần lưu ý những điểm sau:
– Nếu bạn vừa lấy nồi đất từ tủ lạnh ra, không nên nấu luôn mà phải để bên ngoài để nồi tỏa hết hơi lạnh. Nếu nấu ngay, nồi sẽ bị sốc nhiệt, dễ bị nứt.
– Không nên phi hành tỏi trực tiếp trên nồi đất, cũng không nên nấu trên lửa lớn trong thời gian dài. Vì nhiệt độ quá cao sẽ làm bong tróc lớp men.
– Khi chế thêm nước trong quá trình nấu ăn, bạn nhớ chế thêm nước nóng, không được chế thêm nước lạnh sẽ gây sốc nhiệt và có thể làm nứt nồi.
– Nồi đất có khả năng giữ nhiệt rất tốt, vì vậy bạn cần chuẩn bị găng tay loại dày để bắc nồi. Khi bắc nồi, bạn không được đặt nồi ở bề mặt lạnh hay ẩm ướt. Hãy đặt nồi vào rế là tốt nhất.
Cách vệ sinh nồi đất
Đối với bụi bẩn nhẹ, bạn chỉ cần dùng nước nóng trái nồi và sử dụng tay hoặc miếng bọt biển để rửa qua là được. Nếu là các vết bẩn thông thường, sau khi tráng với nước nóng, bạn cho vào một nắm muối rồi dùng miếng bọt biển cọ rửa là được.
Đối với vết bẩn cứng đầu như thức ăn cháy khét, mốc, bạn ngâm nồi với nước nóng trong một vài giờ Khi mảng thức ăn mềm vào bong ra, bạn dùng miếng bọt biển và muối đánh sạch lại. Đối với loại nồi tráng men cao cấp, có độ an toàn cao, bạn vẫn có thể sử dụng nước rửa chén đánh sạch như bình thường. Nếu là nồi bị mốc, sau khi rửa sạch, bạn nên đem ra phơi nắng.
Cách bảo quản nồi đất khi không sử dụng
Sau khi làm sạch nồi đất, tốt nhất là bạn đem phơi nồi dưới ánh nắng mặt trời. Nhiệt độ cao và tia cực tím sẽ hút sạch ẩm và diệt sạch vi khuẩn, nấm mốc. Sau đó, bạn lót vài tờ giấy ăn để hút ẩm và cất giữ nơi khô ráo.
Lời kết
Trên đây là mẹo dùng nồi đất bền và an toàn. Áp dụng đúng cách như trên, bạn sẽ kéo dài tuổi thọ của nồi đất lên nhiều năm và quá trình sử dụng cũng rất an toàn cho sức khỏe.