Đó là lời tâm sự của một cô gái người Hà Nội sau khi mắc COVID-19. Theo thông tin, cô đã xuất hiện những biểu hiện mắc di chứng hậu COVID như thường xuyên mất ngủ, trầm cảm, liên tục nghĩ đến cái chết và phải nhờ đến bác sĩ can thiệp.
Di chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần con người như thế nào?
Ngày nay, số ca nhiễm COVID-19 không còn là vấn đề quá nghiêm trọng ở Việt Nam bởi hầu hết người dân đều đã được tiêm vaccine. Những trường hợp F0 đã có thể được hướng dẫn điều trị tại nhà bằng các loại thuốc cảm thông thường (trừ những ai mắc bệnh nền).
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay không phải là F0 mà là di chứng hậu COVID, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Đã có một số trường hợp sau khi mắc COVID-19 đã bị ảnh hưởng lớn đến tinh thần mà không hề hay biết, đến khi phát hiện và tìm đến bác sĩ thì bệnh tình đã ở tình trạng nặng.
Bên cạnh đó, có không ít trường hợp đã có biểu hiện bất thường ngay từ đầu nhưng lại không khám đúng chuyên khoa hoặc không đi khám ngay khiến cho tình trạng tinh thần ngày càng đi xuống, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong số đó, những triệu chứng phổ biến như mất ngủ, lo lắng, bồn chồn,… thậm chí tìm đến cái chết nhưng vẫn muốn tự tìm lối thoát mà không chịu đi khám. Điều này vô cùng nguy hiểm và có thể gây ra chứng trầm cảm, ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Chị Minh Hằng (20 tuổi, hiện đang sinh sống ở Hà Nội) là một bệnh nhân mắc COVID-19 đã gặp phải di chứng hậu COVID khá nghiêm trọng về đời sống tinh thần. Cô chia sẻ, trước khi bị COVID-19, cô hoàn toàn bình thường trong cả sinh hoạt và học tập. Song, sau khi nhiễm phải căn bệnh này, cô đã bắt đầu có các triệu chứng rối loạn lo âu tương đối nghiêm trọng, thậm chí đã từng có ý định tự tử và phải nhờ đến bác sĩ can thiệp.
Theo thông tin chị Minh Hằng chia sẻ, cô luôn cảm thấy bi quan, chán nản và mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, không hề có động lực và rất dễ nổi nóng, hay nói lời khó nghe với người khác. Cô luôn cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc, thường xuyên thấy căng thảng và thờ ơ với tất cả mọi thứ.
Cô bộc bạch: “Hầu như ngày nào cháu cũng nghĩ đến cái chết. Cháu đã lên ý tưởng rồi nhưng nghĩ có một vài việc khiến cháu dừng lại. Cháu không muốn tiếp xúc với người khác. Cháu không muốn chơi với ai. Việc đi học hay đến nơi đông người khiến cháu cảm thấy sợ hãi. Cháu thường xuyên ám ảnh về một số chuyện trong quá khứ”.
Những lời bộc bạch của chị Minh Hằng với bác sĩ đã giúp những người làm ngành Y đưa ra các chẩn đoán và phát hiện, cô đã có 10/10 triệu chứng của căn bệnh trầm cảm. Theo bác sĩ, cô khá may mắn bởi được can thiệp kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng rất cao do ngày nào cũng nghĩ đến cái chết.
Cần làm gì khi phát hiện mình mắc di chứng hậu COVID về sức khỏe tinh thần?
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), dù con người hiện nay đã được nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm thần nhưng vẫn còn đó không ít người có tâm lý kỳ thị, “sợ” người khác xa lánh nên không đám đi khám chuyên khoa tâm thần, nhất là những ai mắc COVID-19.
Họ là những người dễ có tâm lý căng thẳng trong thời gian dài, sợ dịch bệnh và sự tấn công của các loài virus gây tổn thương hệ thần kinh, dẫn đến lo âu, trầm cảm,… và có thể sẽ làm những việc nguy hiểm đến tính mạng.
Đáng nói hơn, nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần sau khi mắc COVID-19 nhưng lại không hề hay biết hoặc đi khám ở nhiều nơi, xét nghiệm, chụp chiếu nhiều thứ và uống nhiều loại thuốc nhưng lại không khỏi bệnh (do đây là “tâm bệnh). Vì thế, đến khi phát hiện ra mình gặp phải chính xác vấn đề gì thì đã quá muộn.
Bác sĩ Hồng Thu khuyến cáo, nếu những ai từng mắc COVID-19 xuất hiện các triệu chứng lo âu, bồn chồn, mất phương hướng, mất ngủ kèm theo các vấn đề đau mỏi cơ, trào ngược, nhói tim, ợ hơi,… thì cần nghĩ ngay đến bệnh lý tâm thần và nên đi khám sớm.
Về vấn đề điều trị, những ai thuộc trường hợp cấp tính có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý và vật lý trị liệu. Song, nếu các triệu chứng xuất hiện trên 2 tuần thì cần phải đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa để cải thiện tình hình sức khỏe.
Những con số không biết “nói dối”
Theo một khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TP.HCM vào năm 2021, đã có khoảng 53,3% bệnh nhân điều trị COVID-19 tại đây bị chứng rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% bị stress. Với những ai từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao) hoặc thở máy, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu lên đến 66,7%.
Nhìn chung, di chứng hậu COVID để lại trên cơ thể con người là vô cùng nghiêm trọng cả về đời sống sức khỏe và tinh thần nếu không phát hiện kịp thời. Do đó, những bệnh nhân từng mắc COVID-19 không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà cần phải chú ý đến những biểu hiện thường ngày. Hãy thăm khám ngay khi thấy những dấu hiệu lo âu, bồn chồn, mất ngủ, cảm thấy không thích thú với cuộc sống,… để được điều trị kịp thời.