Khoai môn là thực phẩm gắn bó với nhiều món ăn của gia đình Việt. Mùi hương thơm, vị ngon ngọt, béo bùi của những củ khoai môn làm chúng ta không thể nào cưỡng lại được. Tuy nhiên, không ít bà nội trợ cảm thấy lo ngại khi sơ chế khoai môn vì sợ ngứa hoặc nổi mụn nước. Sau đây, BepXua sẽ mách bạn một số cách sơ chế khoai môn không bị ngứa cực hiệu nghiệm. Cùng tham khảo nhé!
Lợi ích sức khỏe khi ăn khoai môn
Khoai môn rất tốt cho sức khỏe con người vì chứa nhiều hợp chất hữu cơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Một số lợi ích của khoai môn có thể kể đến như:
- Kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa: Khoai môn chứa khoảng 27% lượng chất xơ bạn cần hấp thụ mỗi ngày từ khẩu phần ăn. Chính vì thế, loại củ này rất có ích trong việc hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đặc biệt, chúng còn giúp ngăn ngừa một số bệnh liên quan đến tiêu hóa như xì hơi, đầy bụng, táo bón,…
- Ngăn ngừa một số bệnh ung thư: Khoai môn chứa hàm lượng vitamin A, vitamin C và Phenol rất cao. Đây là các chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch và loại bỏ các gốc tự do nguy hiểm ra khỏi cơ thể.
- Hỗ trợ ngăn ngừa bệnh đái tháo đường: Chất xơ trong khoai môn có tác dụng điều chỉnh quá trình phóng thích insulin và glucose trong cơ thể. Từ đó, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Có lợi cho huyết áp và giúp hệ tim mạch khỏe mạnh: Khoai môn có hàm lượng Kali khá cao. Đây là chất có tác dụng giảm căng thẳng, áp lực lên các mạch máu, động mạch. Nhờ đó, giúp giảm huyết áp và căng thẳng cho hệ tim mạch.
Cách sơ chế khoai môn không bị ngứa tay
Nhiều bà nội trợ rất sợ sơ chế khoai môn vì rất dễ gây ngứa rát, thậm chí nổi bọng nước. Vậy tại sao chúng ta bị ngứa tay trong quá trình chế biến khoai môn? Nguyên nhân chính là do phần thân củ khoai môn có nhiều lông thưa sẽ gây ngứa nếu nắm chặt tay. Bên cạnh đó, khoai môn còn có chứa tinh thể Canxi Oxalat với đặc tính gây ngứa khi tiếp xúc.
Để khắc phục tình trạng này, bạn chỉ cần hạn chế da tiếp xúc với phần thân củ và loại bỏ tinh thể Canxi Oxalat ra khỏi khoai môn là được. Một số mẹo hay từ BepXua sau đây sẽ giúp được bạn.
Luộc sơ khoai với nước muối loãng
Bạn pha khoảng 2 muỗng cà phê muối với 1 lít nước lạnh, sau đó cho khoai vào nồi và bắc lên bếp. Bạn đun khoai với lửa lớn đến khi nước bắt đầu sôi thì tắt bếp và cho khoai ra rổ. Tiếp đến, bạn xả khoai dưới vòi nước lạnh cho nguội bớt và lột bỏ lớp vỏ.
Độ nóng của nước sẽ làm nhựa khoai phân hủy và không gây ngứa nữa. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý canh lửa để không luộc chín khoai.
Nướng sơ khoai môn
Ngoài cách làm trên, bạn có thể bọc khoai trong giấy bạc và cho vào lò nướng khoảng 30 giây. Hoặc bạn có thể cho khoai vào tô nước lạnh và đun trong lò vi sóng với khoảng thời gian tương tự.
Đeo găng tay
“Vũ khí” đỉnh cao nhất để trả lời cho thắc mắc làm thế nào để gọt khoai môn không bị ngứa chính là sử dụng bao tay vải hoặc bao tay nilon khi sơ chế. Với cách làm này, bạn sẽ không còn gặp nỗi sợ sơ chế khoai môn nữa.
Pha nước giấm
Nếu bị ngứa do sơ chế khoai môn, bạn có thể áp dụng mẹo này để “giải nguy” cho mình. Bạn pha loãng 2 muỗng canh giấm với nước lạnh và ngâm tay trong vòng 2 phút. Giấm sẽ giúp loại bỏ nhựa từ khoai môn.
Hơ tay trên lửa
Ngoài cách ngâm tay với giấm, bạn có thể hơ tay trên lửa khoảng 1 phút. Bởi vì các chất gây ngứa có trong khoai môn rất dễ bị phân hủy khi gặp nhiệt độ cao. Chính vì thế, với phương pháp này, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu ngay.
Lời kết
Có thể thấy, khoai môn là thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc sơ chế lại không dễ dàng. Chính vì vậy, nếu bạn muốn sơ chế khoai môn không bị ngứa thì đừng quên áp dụng một số mẹo hay mà Bếp giới thiệu ở trên nhé! Chúc bạn thành công.