Nước hầm xương luôn là nguyên liệu yêu thích trong các món ăn của mọi gia đình. Tuy nhiên, làm sao để cùng một lượng xương, bạn có thể được một nồi nước đậm đặc và ngọt lịm hơn so với những nồi thông thường khác là cả một bí kíp. Hãy cùng chúng tôi đi tìm các bước khôn ngoan nhất để nồi nước hầm xương luôn đạt đến độ ngọt và thơm ngon đỉnh cao nhé.
Bước 1: Ngâm xương
Trước khi hầm xương, làm sạch xương là bước không thể bỏ qua. Ở bước này, điều quan trọng nhất không phải là rửa thật sạch chất bẩn vi khuẩn bám trên xương, bởi thực tế là chúng ta không làm được điều đó chỉ bằng tay và nước lạnh. Mục đích chính của bước này mà bạn nên tập trung hướng tới là loại bỏ tối đa phần máu thừa trong xương. Đây là phần vừa gây hôi vừa gây đục nước mà bà nội trợ nào cũng cần phải lưu ý để làm thật sạch chúng.
Để loại bỏ sạch phần máu thừa này, cách tốt nhất là bạn cho xương vào chậu nước lạnh và ngâm. Nước lạnh sẽ làm loãng máu và từ đó chúng sẽ dễ dàng bị trôi ra ngoài. Bạn nên ngâm trong khoảng 30 phút – 1 giờ. Trong quá trình ngâm, nên thay nước 2 lần, giúp máu trong xương dễ dàng được pha loãng với nước hơn.
Bước 2: Chần xương và rửa xương
Xương sau khi ngâm và rửa qua lại với nước sạch, bạn cho vào nồi, đổ lượng nước thích hợp rồi đun sôi để chần xương. Thời gian chần xương chỉ cần khoảng 1 phút kể từ lúc sôi. Khoảng thời gian từ khi nước nóng đến lúc này đủ để loại bỏ sạch các chất cặn bẩn, máu thừa còn lại gây đục nước. Không cần chần xương quá lâu vì cần tận dụng chất nước ngọt từ xương càng sớm càng tốt.
Xương sau khi chần, bạn vớt ra cho vào nồi hoặc chậu rửa sạch lại để loại bỏ hoàn toàn chất cặn bẩn có thể làm đục nước dùng, sau đó bạn cho lại vào nồi, cho thêm nước sạch để chính thức tiến hành hầm xương.
Bước 3: Hầm xương với một ít giấm trắng
Cho nồi xương hầm lên bếp, cho thêm một củ hành hoặc gừng đập dập cùng 1 thìa giấm trắng. Bật lửa và đun trên lửa to.
Hành khô hoặc gừng đập dập là nguyên liệu không thể thiếu giúp khử mùi hôi và làm nước hầm xương thơm hơn. Trong khi đó, giấm trắng hỗ trợ làm tăng khả năng hoàn ta canxi và phốt pho có trong xương, giúp nước hầm bổ dưỡng và đặc hơn.
Sau khi nước sôi, bạn hạ nhỏ lửa và tiếp tục hầm. Nếu là xương nhỏ, hầm trong 1 giờ là được. Với các loại xương lớn như xương ống, bạn nên hầm trong nhiều giờ đồng hồ, hoặc hầm trong nồi áp suất để đạt đến độ ngọt tối đa.
Lưu ý: Nước hầm xương vốn đã ngọt và có mùi thơm đặc trưng, nhất là khi bạn đã làm đúng cách như trên, vì vậy không cần phải cho thêm nhiều gia vị cầu kỳ như hoa hồi, hạt tiêu để khử mùi tanh, hay cho thêm nhiều đường, bột ngọt để tạo ngọt. Bạn nên giữ độ nguyên bản tối đa mùi và vị của nước hầm, chỉ cần cho thêm muối, một ít bột ngọt là sẽ có nồi canh thơm ngon, ngọt chuẩn vị.
Lời kết
Trên đây là cách hầm xương ngon với 3 bước chuẩn. Làm đủ 3 bước này, nồi nước cạnh của bạn sẽ trắng đặc, thơm ngon và ngọt lịm, trong khi bạn chỉ cần sử dụng rất ít gia vị trong quá trình chế biến món ăn.