Gạo để lâu ngày rất dễ dẫn đến mối mọt hoặc mốc hỏng. Loại gạo này không những kém chất lượng, ăn không ngon mà thậm chí còn độc hại. Nếu bạn thường xuyên trữ một lượng gạo lớn trong nhà, hãy bỏ túi ngay những cách bảo quản gạo an toàn, chống mối mọt, mốc hỏng lâu dài dưới đây nhé.
Một số nguyên tắc khi bảo quản gạo
– Gạo là loại thực phẩm có tính hút ẩm cao nên bạn cần bảo quản ở nơi thật thoáng mát, khô ráo. Tuyệt đối không để gạo ở những nơi ẩm ướt, nơi có độ ẩm lớn. Độ ẩm lớn sẽ làm cho gạo bị mốc, ảnh hưởng đến chất lượng gạo.
– Gạo là hạt của lúa, đã bị bóc hoàn toàn khỏi các lớp vỏ bảo vệ nên rất nhạy cảm. Bạn tuyệt đối không để gạo trực tiếp dưới ánh nắng vì sẽ làm gạo bị mất chất dinh dưỡng, mất mùi vị. Bạn cũng không được để gạo trần, không có nắp đậy. Gạo tiếp xúc trực tiếp với không khí, độ ẩm, môi trường có hại sẽ rất dễ hỏng.
– Không để gạo trong bao bì lâu ngày và để trực tiếp dưới sàn nhà. Nếu bạn chỉ để trong bì, không khí, độ ẩm vẫn có thể tác động mạnh vào gạo, đẩy nhanh quá trình sinh nở của mối mọt hoặc khiến gạo bị ẩm mốc. Nếu bạn để gạo trong bao, hãy sử dụng một túi ni lông bên trong làm lớp lót. Mỗi khi lấy gạo xong, cần bịt chặt miệng túi.
– Tốt nhất là hãy cho gạo vào thùng nhựa hay các hộp kín, đóng nắp chặt và đặt ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời. Bảo quản theo cách này sẽ giúp gạo giữ được lâu mà không lo mối mọt.
Một số mẹo bảo quản gạo lâu ngày không bị mối mọt
Bảo quản gạo trong tủ lạnh
Nhiều người nghĩ rằng gạo để lâu sẽ sinh mối mọt. Điều này là không đúng. Thực ra trứng của mọt gạo đã bám vào hạt thóc, hạt gạo từ giai đoạn thu hoạch lúa hoặc nơi xay xát. Sau một thời gian, với các điều kiện thích hợp, chúng sẽ nở thành ấu trùng mọt gạo.
Vì vậy, muốn chống mối mọt, bạn cần phải để gạo trong điều kiện không thích hợp cho chúng có thể nở. Trong đó, nhiệt độ trong tủ lạnh là môi trường khắc nghiệt, khiến cho trứng mối mọt bị hỏng.
Hãy để gạo trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 4-5 ngày. Tủ lạnh trong các gia đình thường không quá lớn, vì vậy bạn nên chia nhỏ vào các túi zipper trước khi đem để vào tủ lạnh, như vậy sẽ để được nhiều hơn. Sau thời gian đó, trứng mọt bị tiêu diệt, bạn có thể lấy ra, cho gạo vào thùng có nắp đậy kín và bảo quản bình thường.
Bảo quản gạo bằng tỏi
Tỏi có khả năng xua đuổi và diệt côn trùng rất hiệu quả. Người ta thường chế thuốc trừ sâu sinh học bằng tỏi để diệt trừ côn trùng. Còn trong trường hợp này, bạn chỉ cần để vài tép tỏi bóc vỏ vào phía trong thùng gạo. Mùi tỏi sẽ khiến mọt phải bỏ đi.
Bảo quản gạo bằng ớt
Mùi cay nồng của ớt cũng là lý do chúng là một trong những thành phần trong các chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học. Sự có mặt của ớt sẽ khiến côn trùng khó chịu mà bỏ đi. Trong trường hợp bảo quản gạo và diệt trừ mối mọt cũng vậy. Bạn cắt đôi quả ớt, moi bỏ hạt cho vào thùng gạo. Mọt khi mới nở sẽ không chịu được mùi ớt nên hoặc là chúng bị chết hoặc là phải bỏ đi.
Sử dụng muối
Bạn có thể rắc một chút muối khô vào thùng gạo, vị mặn của muối sẽ làm mối mọt một bỏ đi. Tuy nhiên hãy rắc lượng muối nhỏ thôi bởi vì muối sẽ làm gạo trở nên mặn và nhất là có thể làm gạo bị ẩm hơn một khi chúng cũng bị làm ẩm bởi không khí hay điều kiện môi trường.
Lời kết
Trên đây là mẹo bảo quản gạo an toàn. Với những cách này, bạn sẽ chống mối mọt, ẩm mốc hiệu quả, để cả năm gạo vẫn thơm ngon và đảm bảo chất lượng.