“Thấy kiệu ngâm là thấy tết”, có lẽ nhiều người cùng có chung suy nghĩ này. Kiệu ngâm (kiệu muối) vừa là món ăn truyền thống trong mâm cơm của người Việt Nam, nhưng đặc biệt món này luôn được ưu ái trong những ngày tết, nhằm cân bằng và chống ngấy trước quá nhiều những món giàu tinh bột và chất béo. Cách ngâm củ kiệu trắng giòn, để cả năm vẫn rắn chắc như thế nào, hãy cùng chúng tôi vào bếp thực hiện món ăn này ngay bây giờ nhé.
Nguyên liệu và sơ chế
– 1kg củ kiệu. Nguyên liệu để ngâm kiệu: 250g đường, 1 lít giấm, 2 lít nước vo gạo. Nguyên liệu pha chế nước muối kiệu: 1,5 chén (bát) giấm, 1,5 chén (bát) nước, 1,5 chén (bát) đường, 1 thìa cafe muối, nước vo gạo.
– 1 chiếc lọ để ngâm kiệu, tốt nhất là lọ thủy tinh có kích cỡ phù hợp với lượng kiệu. Đánh sạch lọ, tráng qua nước sôi và phơi khô để diệt sạch vi khuẩn, nấm mốc.
Cách muối kiệu ngon, trắng giòn
Bước 1: Ngâm kiệu
Đây tưởng như là một bước phụ, tuy nhiên thực tế đây là bước có ảnh hưởng rất lớn đến vị ngon, độ trắng giòn và giữ được kiệu trong thời gian lâu nhất. Do đó, khâu này bạn cần làm thật kỹ với 3 lần ngâm dưới đây.
– Lần 1 ngâm với đường: Kiệu mua về rửa sạch, sau đó bạn bơm một chậu nước, lượng nước đủ để ngập hoàn toàn bề mặt kiệu, sau đó cho 1 chén đường (250g) vào khuấy tan, rồi đổ kiệu vào ngâm. Ngâm kiệu trong nước đường giúp kiệu trắng, chắc giòn, thơm hơn, giảm đi mùi hăng của kiệu hiệu quả hơn so với việc ngâm muối hoặc ngâm bằng tro. Bạn ngâm khoảng 12 giờ, nếu có thời gian có thể ngâm 24 tiếng càng tốt.
– Lần 2 ngâm với giấm: Ngâm đường xong, bạn vớt kiệu ra rửa lại với nước. Sau đó bạn cho kiệu vào chậu, đổ 1 lít giấm. Nếu giấm không đủ ngập mặt kiệu thì bạn cho thêm nước và tiếp tục ngâm kiệu trong giấm 8-12 giờ nữa. Kiệu sau khi ngâm với giấm sẽ trắng trong, rắn chắc và giòn hơn nữa.
– Lần 3 ngâm nước vo gạo: Sau khi ngâm giấm, bạn vớt kiệu ra và tiếp tục ngâm kiệu trong nước vo gạo thêm 12 giờ nữa. Lần ngâm này sẽ giúp kiệu thêm trắng, trong, thơm và chắc giòn hơn.
Bước 2: Phơi nắng và làm sạch củ kiệu
– Sau 3 lần ngâm với đường, giấm và nước vo gạo, bạn vớt ra, rửa sạch, sau đó đem kiệu ra phơi nắng. Phơi kiệu trong một nắng để củ kiệu khô ráo hoàn toàn, giúp kiệu săn chắc hơn và trắng hơn. Sau khi phơi nắng, bạn mới bắt đầu cắt bỏ rễ kiệu, bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài và cắt bỏ phần thân mềm rũ bên trên của kiệu.
Bước 3: Nấu nước giấm đường
Cho vào nồi 1,5 bát ăn cơm giấm, 1,5 bát ăn cơm nước lạnh, 1,5 bát ăn cơm đường, 1 muỗng cà phê muối. Cho nồi lên bếp đun sôi cho đến khi muối đường tan hết. Lúc này bạn tắt bếp và để hỗn hợp nước giảm dần nhiệt độ. Khi nước hạ nhiệt đến mức ấm, mức bạn có thể uống được mà không bị quá nóng trong miệng là có thể đem đi ngâm kiệu. Ngâm bằng nước ấm sẽ giúp kiệu thấm ngấm đậm đà hơn, trong và giòn hơn.
Bước 4: Ngâm kiệu
Đầu tiên, bạn múc ½ tô nước giấm đường đã nấu, lần lượt xúc kiệu nhúng vào tô nước này, sau đó mới cho kiệu vào lọ. Tô nước này sau khi nhúng hết kiệu thì bạn bỏ đi, không sử dụng lại.
Sau đó, bạn đổ ngập hỗn hợp nước giấm đường vào kiệu, dùng một chiếc vỉ nén chặt để kiệu hoàn toàn ngập trong nước. Chờ khi nước ngâm nguội hẳn, bạn đầy nắp lọ lại. Ngâm trong 5-7 ngày là có thể ăn được.
Bước 5: Thưởng thức và bảo quản
Kiệu là món ăn tương tự như mọi món dưa chua khác, dùng để ăn cùng với cơm trắng, các món chứa nhiều tinh bột như bánh chưng, bánh tét, bánh tẻ… các loại thịt cá, chả giò…
Kiệu ngâm theo cách này giữ được mùi rất thơm đặc trưng của kiệu, khác với cách bạn ngâm phèn chua, chất tẩy trong phèn chua sẽ khử mùi kiệu đi khá nhiều. Kiệu ăn giòn tan, có màu trắng trong, vị chua dịu nhẹ và vị ngọt đậm đà, rất ngon và chống ngán rất hiệu quả. Khi kiệu bắt đầu lên men chua bạn cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Với cách ngâm này, kiệu có thể ăn được cả năm mà không thay đổi chất lượng.
Kết luận
Trên đây là cách ngâm củ kiệu trắng giòn, để được cả năm vẫn thơm ngon. Bạn hãy áp dụng ngay công thức trên của chúng tôi để món kiệu ngâm không chỉ ngon mà còn đảm bảo sức khỏe cả gia đình nhé.