Chè với hương vị ngọt ngào luôn là món khoái khẩu của nhiều người nhất là những ai hảo ngọt. Vào ngày rằm chị em còn có thể nấu các món chè cúng ông bà tổ tiên. Sau đó chiêu đãi cả nhà bữa tráng miệng hay ăn vặt thơm ngọt ai cũng mê. Cùng Bếp khám phá bí quyết nấu 8 món chè đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của dân tộc.
1. Chè bà ba
Món chè với màu sắc bắt mắt cùng vị ngọt đậm đà đặc trưng cho miền đất Nam Bộ. Không chỉ ngon miệng mà còn có cách nấu rất đơn giản ai cũng thực hiện được. Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:
- 200g khoai lang
- 200g khoai môn
- 200g khoai mỡ
- 100g khoai mì
- 200g bột năng
- 50g bột khoai
- 50g bột báng
- 500ml nước cốt dừa
- 180g đường
- 20g phổ tai
- 30g đậu phộng
- 50ml nước cốt lá dứa
Cách nấu:
- Các loại khoai gọt vỏ, rửa sạch, xắt thành miếng nhỏ, để ráo, riêng khoai mì bào và vắt lấy nước. Để phần tinh bột lắng xuống khoảng 5 phút rồi bỏ phần nước màu vàng. Phần tinh bột đổ vào xác khoai mì, thêm 1 muỗng cafe đường và nước cốt lá nước dứa. Khi đã thấm màu xanh vo viên tròn đẹp mắt. Các loại phổ tai, bột khoai và bột báng ngâm nước cho nở mềm.
- Cho 100g bột năng ra mâm rồi áo vào các loại khoai xắt miếng. Đậu phộng luộc chín, vớt ra để ráo.
- Bắt nồi nước lên sôi, cho khoai lang và khoai môn vào luộc 4 phút rồi cho khoai mỡ vào. Nấu thêm 6 phút nữa rồi vớt tất cả ra rổ cho thật ráo nước.
- Cho 300ml nước cốt dừa, 700ml nước lọc và khoai mì vào nồi nấu sôi. Khi khoai mì chín cho các loại khoai, bột báng, bột khoai, phổ tai, đậu phộng, đường, nước cốt dừa còn lại vào.
- Khi nồi chè sôi thì tắt bếp, múc ra chén và mời mọi người thưởng thức.
2. Chè khoai dẻo
Khoai lang chứa nhiều dưỡng chất không chỉ có thể luộc ăn buổi sáng. Một chén chè với vị bùi béo cũng dễ gây nghiện những ai yêu vị ngọt.
Nguyên liệu:
- 200g khoai lang tím
- 200g khoai lang vàng
- 340g bột năng
- 200ml nước cốt dừa
- 10g mè rang
- 150g đường
Cách nấu:
- Khoai gọt vỏ, xắt khoanh rồi hấp cách thủy 10 phút sau đó cho vào 2 tô. Cho vào mỗi tô 160g bột năng và trộn đều. Dùng tay nhào tạo nên khối dẻo mịn rồi lăn dài và xắt thành viên bột nhỏ.
- Luộc viên khoai trong nồi nước nóng rồi vớt ra cho vào tô nước đá lạnh vài phút.
- Cho nước cốt dừa vào nồi, thêm ít nước lọc và đường vào khuấy đều. Hòa phần bột năng còn lại với tí nước vào chén rồi đổ vào nồi nước cốt dừa. Đến khi hỗn hợp sánh lại là có thể tắt bếp.
- Cho viên khoai dẻo ra chén, đổ nước cốt dừa nóng vào và rắc mè lên mặt là dùng được.
3. Chè dừa non
Nguyên liệu:
- 1/2 quả dừa khô có cơm mềm
- 1 bọc rau câu con cá dẻo
- 50 gram lá dứa
- 100 gram bột báng
- 150 ml nước cốt dừa
- 30 gram đậu phộng
Cách nấu:
- Sơ chế nguyên liệu: dừa gọt sạch lớp vỏ vàng nâu bên ngoài, rửa lại thật sạch với nước. Dùng dao cắt thành những sợi nhỏ, vừa ăn, hình răng cưa cho đẹp mắt. Cho vào rổ cho ráo. Bột báng ngâm nước khoảng 15 phút cho nở mềm. Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ cho vào máy xay sinh tố cùng 300ml nước lọc. Sau đó lọc lấy nước cốt lá dứa. Đậu phộng rang chín, bóc vỏ và giã nhỏ.
- Ướp nguyên liệu: dừa sau khi ráo cho vào tô ướp cùng 1/2 muỗng cafe muối và 1 muỗng cafe đường. Trộn đều và để khoảng 10 phút cho.
- Bắt nồi lên cho khoảng 500ml nước lọc vào đun sôi cho bột báng đã ngâm vào. Nấu đến khi bột chuyển màu trong thì vớt.
- Làm thạch rau câu: Cho bột rau câu cùng 100 gram đường vào trộn đều. Bắt nồi lên, cho phần nước cốt lá dứa vào đun sôi rồi từ từ cho hỗn hợp rau câu vào cùng. Vừa cho vừa khuấy đều để thạch không bị vón cuc. Đến khi sôi thì tắt bếp.Đỗ hỗn hợp rau câu ra khuôn, để nguội rồi đem vào ngăn mát tủ lạnh cho rau câu đông lại. Sau đó cắt thành từng miếng ngắn hay dài tùy sở thích.
- Bắt nồi lên, cho 300ml nước lọc cùng 150ml nước cốt dừa vào. Nấu sôi lên cho tiếp dừa đã ướp gia vị vào, Nấu khoảng 5 phút cho bột báng vào khuấy đều tay. Lúc này thêm đường vào (tùy khẩu vị từng gia đình thích ngọt nhiều hay ít mà cho lượng đường phù hợp). Sau đó tắt bếp và cho thạch rau câu lá dứa vào.
- Món chè hấp dẫn đã hoàn thành, cho vào chén cùng ít đậu phộng giã vào vào viên đá.
- Tô chè với màu xanh mát mắt cùng thạch rau câu và dừa non giòn sần sật. Không chỉ béo ngọt mà còn giúp cơ thể giải nhiệt tức khắc.
4. Chè bưởi
Món chè gây thương nhớ với bao thế hệ bởi hương vị hấp dẫn khó cưỡng lại. Thay vì cứ mãi là mối ruột của hàng chè gần nhà bạn cũng có thể tự nấu. Công thức Bếp bật mí dưới đây vừa đơn giản lại nhanh gọn cho chén chè bưởi tuyệt ngon.
Nguyên liệu:
- Vỏ của 2 trái bưởi khoảng 1.5kg
- 100g đậu xanh
- 1 bó lá dứa
- 130g đường thốt nốt
- 50g đường cát
- 260g bột năng
- 1.2 lít nước
- 300ml nước cốt dừa
- Gia vị: đường, muối
- 1 muỗng cafe phèn chua
Cách nấu:
- Đậu xanh rửa sạch và ngâm trong nước 1 tiếng, lấy cùi bưởi xắt hạt lựu rồi bóp rửa với muối 10 phút. Sau đó rửa sạch và thực hiện lại liên tục 10 lần bước này để loại bỏ vị đắng.
- Bắt nồi nước sôi lên, cho phèn chua vào rồi đổ cùi bưởi vào nấu đến khi có màu trong veo. Thực hiện bóp và rửa giống bước đầu 5-6 lần nữa rồi cho 3 muỗng canh bột năng vào. Khi bột đã thật thấm vào cùi bưởi thì vắt nhẹ nước.
- Cho tiếp 3 muỗng canh đường vào cùi bưởi khoảng 20 phút cho thấm gia vị.
- Đậu xanh hấp chín mềm trong thời gian 15 phút.
- Cho vào thau cùi bưởi từ từ 120g bột năng, nhớ dùng muỗng khuấy đều để tránh bị vón cục.
- Cho hỗn hợp trên vào luộc đến khi lớp bên ngoài có màu trong veo. Vớt ra ngoài ngâm trong thau đá lạnh để tạo độ giòn.
- Đun nồi có chứa 1 lít nước cùng đường thốt nốt và lá dứa. Khi nước sôi vớt lá dứa ra, cho cùi bưởi vào đến khi rời ra cho đậu xanh vào. Cuối cùng cho bột năng còn lại vào khuấy đều đến khi sánh lại thì tắt bếp.
- Cho nước cốt dừa vào nồi cùng 2 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh muối cùng 2 muỗng canh bột năng đã hòa nước. Đến khi sôi là hoàn thành nồi nước cốt.
- Múc chè ra chén. chan nước cốt lên là có thể thưởng thức.
5. Chè bắp
Nguyên liệu:
- 4 trái bắp nếp
- 50gram đậu xanh cà
- 50gram nếp
- 200gram đường phèn
- 30gram lá dứa
- 500gram dừa nạo
- 120ml sữa tươi
- Muối
Cách nấu chè:
- Bắp lột vỏ, bỏ râu, rửa sạch, dùng dạo gọt hạt, giữ lại cùi. Lá dứa rửa sạch, buộc lại thành bó, nếp vo sạch, ngâm trong nước 3 tiếng rồi hấp chín. Đậu xanh đãi sạch, ngâm trong nước cho mềm. Dừa cho vào nước nóng vắt lấy 200ml nước cốt và 500ml nước cốt nhì.
- Cho cùi bắp cùng lá dứa vào nồi cùng 1 lít nước lọc nấy 20 phút thì vớt bỏ cùi. Cho đậu xanh vào nồi nấu mềm rồi đổ hạt bắp vào nấu cùng, Nhớ hớt bọt thường xuyên và đảo đều để bắp không dính dưới đáy nồi.
- Cho tiếp vào nồi nếp đã nấu chín cùng 500ml nước dừa nhì, đường phèn vào luôn. Đến khi đường tan, hỗn hợp sánh lại thit tắt bếp, cho ổng vani vào tạo mùi thơm.
- Nấu nước cốt: cho vào nồi nước cốt nhất, sữa tươi, 1/4 muỗng cafe muối nấu ở lửa nhỏ. Đến khi hỗn hợp sôi nhẹ thì tắt bếp.
- Múc chè ra chén, chan nước cốt lên, có thể thêm đậu phộng hoặc mè rang ăn ngon hơn.
6. Chè bo bo
Nếu bạn muốn tìm món chè mới lạ để chiều chuộng vị giác cả nhà ngày cuối tuần. Chén chè bo bo hay còn gọi là hạt ý dĩ cùng với bạch quả và tàu hũ ky. Không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng lại thanh lọc cơ thể.
Nguyên liệu:
- 100g hạt bo bo
- 100g bạch quả
- 3 lá tàu hũ ky
- 1 quả trứng gà
- 2 nhánh lá dứa
- 80g đường phèn
Cách nấu:
- Tàu hũ ky ngâm với nước 10 phút cho mềm rồi vớt ra để ráo nước, Bo bo rửa sạch, để ráo, bạch quả bỏ vỏ bằng dụng cụ kẹp càng cua. Sau đó ngâm trong thau nước 1 tiếng rồi lột lớp vỏ lụa bên ngoài.
- Đổ 2 lít nước vào nồi, nấu sôi rồi cho hạt bo bo và bó lá dứa cùng 80g đường phèn vào. Nấu trong thời gian khoảng 30 phút cho đường tan và hạt mềm thì tắt bếp.
- Vớt lá dứa ra, xé tày hũ ky thành miếng cho vào nồi cùng bạch quả. Tách lấy lòng trắng trứng và đổ từ từ vào nồi luôn. Đợi hỗn hợp sôi lại thì tắt bếp.
- Múc chén chè với vị ngọt thanh, beo béo dùng nóng hay lạnh đều ngon.
7. Chè nha đam
Nguyên liệu:
- 2 nhánh nha đam tươi
- 300g đậu xanh
- 350g đường phèn
- 20g phổ tai
- 1 ổng vani
- 30g muối
- 1 quả chanh
Cách nấu:
- Nha đam gọt sạch vỏ xanh bên ngoài, ngâm trong thau nước cốt chanh 15 phút. Vớt ra, xả sạch 2-3 lần nước rồi dùng tay rửa nhẹ nhàng để loại bớt nhớt. Sau đó xắt hạt lựu rồi ngâm trong thau nước muối vài phút để bỏ vị đắng còn lại.
- Đậu xanh vo sạch, ngâm nước 3-4 tiếng rồi vớt ra và để ráo. Phổ tai ngâm cho nở mềm rồi vớt ra để thật ráo nước.
- Nha đam cho vào tô ướp cùng 100g đường phèn được giã nhuyễn cho dễ thấm ngọt.
- Đổ vào nồi 3 lít nước, cho đậu xanh vào nấu ở lửa nhỏ. Nhớ vớt hết bọt đề nước chè sạch và trong hơn. Khi đậu chín nhừ cho đường phèn còn lại vào nấu cho tan. Cho nha đam vào, khuấy đều rồi cho 1/3 muỗng cafe muối cùng ống vani vào nồi. Cuối cùng cho phổ tai vào, đảo đều 2 phút là tắt bếp.
- Chén chè ngon và mát hơn khi cho vào vài viên đá lạnh.
8. Chè hạt đác
Thay vì cách nấu chè đậu xanh thông thường bạn có thể kết hợp cùng hạt đác. Chén chè thơm phức cùng hạt dai dai và đậu mềm béo giải nhiệt rất tốt. Ngoài nguyên liệu này, bạn hãy đổi khẩu vị với mít, củ năng hay thạch sương sáo. Món chè thập cẩm dễ mê mẩn thực khách từ ánh nhìn đầu tiên.
Nguyên liệu:
- 500g hạt đác
- 300g đậu xanh
- 400g đường
Cách nấu:
- Đậu xanh ngâm 4 tiếng, hạt đác rửa sạch, ráo nước cho vào ngâm cùng 150g đường trong nửa tiếng.
- Cho đậu vào nồi nấu cùng 1 lít nước trong 30 phút cho nở nhừ. Sau đó nêm đường và để lửa vừa vừa.
- Hạt đác xào trên lửa nhỏ đến khi có màu trong, dẻo thì tắt bếp rồi đổ vào nồi chè. Nấu trong vài phút nữa cho tất cả hòa quyện vào nhau là tắt bếp và thưởng thức.
Lời kết
8 món chè dân dã nhưng lại thích hợp làm món ăn cho cả 4 bốn mùa trong năm. Nhất là mùa hè sắp tới thời tiết nắng nóng cần bổ sung thêm nhiều thực phẩm thanh mát. Mỗi ngày nấu một món bạn sẽ không phải lo lắng thực đơn ăn vặt cho gia đình. Chúc chị em thành công và luôn đồng hành cùng BepXua để có nhiều mẹo nấu nướng hay.