Ho là triệu chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt vào lúc thời tiết giao mùa. Bởi các thời điểm này sức đề kháng yếu, các virus, vi khuẩn dễ tấn công đường hô hấp. Nhất là với trẻ nhỏ hay người già không thể để ho kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Các phương pháp dân gian với những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm lại hiệu quả và an toàn. Cùng Bếp tìm hiểu và lưu ngay các công thức trị ho dưới đây nhé!
Chanh đào mật ong
Đây là bài thuốc dân gian được nhiều người lựa chọn nhờ sự kết hợp tuyệt vời của những nguyên liệu quen thuộc. Chanh đào chứa nhiều acid citric, vitamin A, đặc biệt là hàm lượng vitamin C có tác dụng kháng viêm và tiêu độc. Kết hợp cùng mật ong và đường phèn giúp phòng và giảm triệu chứng bệnh đường hô hấp.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 kg chanh đào
- 1 lít mật ong rừng
- 800 gram đường phèn
Công thức thực hiện:
- Chọn những quả chanh đào hơi già, mỏng vỏ và chín vàng rửa sạch. Sau đó ngâm trong thau nước ấm có pha chút muối khoảng 30 phút.
- Sau đó vớt chanh để thật ráo rồi xắt miếng mỏng. Đường phèn giã nhỏ.
- Dùng hũ thủy tinh đã tráng qua nước sôi để loại bỏ bụi bẩn và dùng vải mềm lau khô. Xếp một lớp đường một lớp chanh cho đến khi hết nguyên liệu.
- Đổ mật ong vào hũ và đậy kín nắp. Thời gian đầu kiểm tra thường xuyên nếu thấy có sủi bọt thì vớt bỏ. Và phải đảm bảo lớp chanh không nổi lên lớp mật ong để tránh bị nổi váng và mốc. Sau 3 tháng có thể dùng chanh đào mật ong tốt cho hô hấp và sức khỏe cả nhà.
Tỏi ngâm mật ong
Tỏi – gia vị luôn có mặt trong căn bếp mỗi gia đình Việt không chỉ tăng thêm hương vị cho món ăn. Mà đây còn là một thần dược với rất nhiều giá trị cho sức khỏe. Tại sao không kết hợp chung với hũ mật ong rừng tạo nên bài thuốc trị ho hữu hiệu ngày giao mùa?
Nguyên liệu:
- 100ml mật ong
- 15 gram tỏi
Cách làm tỏi ngâm mật ong
- Chọn loại tỏi Việt Nam có kích thích nhỏ, màu tím trắng, có vị hăng thơm hơn so với tỏi Trung Quốc. Bóc vỏ, chần qua nước sôi để loại bớt nhựa tỏi. Có thể để nguyên tép hoặc băm nhuyễn.
- Hũ thủy tinh dùng để ngâm phải được vệ sinh sạch sẽ và để khô ráo hoàn toàn để bảo quản được lâu. Cho tỏi vào rồi đổ mật ong ngập tỏi.
- Đậy kín hũ, để nơi thoáng mát sau 3 tuần là có thể sử dụng. Pha cùng nước ấm uống buổi sáng hoặc là dùng cùng thức ăn vừa ngon miệng lại tốt cho sức khỏe.
Quýt ngâm đường phèn
Quýt không chỉ là loại trái cây được yêu thích bởi hương vị chua ngọt ngon miệng. Mà còn có tác dụng chữa ho cho cả trẻ em lẫn người lớn khi ngâm cùng đường phèn. Món tráng miệng hấp dẫn lại loại bỏ được chứng ho do chuyển mùa cho cả nhà thì quá tuyệt vời.
Nguyên liệu:
- 20 quả quýt
- 80 gram đường phèn
- 400 ml nước
Các bước thực hiện:
- Quýt mua về bóc vỏ, tách múi và bỏ hết phần xơ. Bắt nồi nước sôi lên, cho quýt vào 30 giây rồi vớt ra rổ cho ráo.
- Cho vào nồi nước cùng đường phèn, nấu sôi đến khi đường tan chảy hoàn toàn. Cho quýt vào nấu 5 phút rồi tắt bếp.
- Khi hỗn hợp nguội đổ vào hũ thủy tinh đã khử trùng và khô hoàn toàn. Dốc ngược hũ và cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Pha ly trà thêm chút nước quýt ngâm đường phèn và đá lạnh vừa giải nhiệt lại bổ dưỡng.
Siro húng tắc
Với những nguyên liệu dân dã, bạn đã tự tay chuẩn bị hũ siro để cho cả nhà lúc trời trở lạnh. Hay những cơn gió mùa khiến ai cũng khó chịu và mệt mỏi với những cơn ho khó chịu. Cùng bắt tay thực hiện ngay với quả tắc, lá húng chanh, rau diếp cá, lá hẹ, gừng…
Nguyên liệu:
- 500 gram tắc
- 500 gram lá húng chanh
- 200 gram rau diếp cá
- 200 gram hẹ
- 1 củ gừng
- 5 tép tỏi
- 1 kg đường phèn
- 1/2 muỗng cafe muối
Công thức làm siro
- Các loại nguyên liệu mua về rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha loãng 15 phút rồi vớt ra cho ráo. Tắc cắt đôi, lá húng chanh, hẹ và rau diếp cá xắt nhỏ, để riêng.
- Tỏi và gừng bóc vỏ, thái lát.
- Ướp tắc cùng đường phèn và để khoảng 2 tiếng cho thấm.
- Cho hỗn hợp vào nồi nấu sôi ở lửa vừa 10 phút cho đường tan. Cho tiếp các nguyên liệu còn lại cùng 1/2 muỗng cafe muối vào nồi. Đảo đều và nấu ở lửa nhỏ đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp để nguội.
- Cuối cùng lọc nước cốt siro, cho vào hũ thủy tinh đã trụng nước sôi và khô. Đậy nắp lại cho vào ngăn mát có thể dùng đến 3 tháng.
Lê hấp mật ong
Thời tiết vừa chuyển mùa là các bé lại ho cả đêm khiến ai nấy đều lo sốt vó. Thay vì dùng thuốc kháng sinh có tác dụng phụ hãy thử mua quả lê hấp cùng mật ong. Quả lê có tính mát giúp tiêu đờm, giảm ho và thanh nhiệt. Cách hấp cùng mật ong vừa đơn giản, dễ làm lại tốt cho sức khỏe và ai cũng có thể dùng được.
Nguyên liệu:
- 2 quả lê
- 3 muỗng canh mật ong
- 1 muỗng cafe muối
Cách hấp:
- Mua lê còn tươi, mới, không chọn quả quá mềm là những quả để lâu ngày. Rửa sạch, gọt vỏ rồi thát miếng thật nhỏ, ngâm trong chén nước muối pha loãng khoảng 5 phút.
- Sau đó vớt ra, cho vào chén khác và đổ mật ong vào, ướp khoảng 30 phút cho các nguyên liệu hòa vào nhau.
- Dùng xửng hấp cách thủy khoảng 40 phút cho lê mềm. Sau đó lấy ra và cho người bệnh dùng lúc ấm.
Lời kết
Ho sẽ không khiến bạn và các thành viên trong gia đình mệt mỏi nhờ các bài thuốc dân gian. Vừa trị dứt điểm lại có nhiều tác dụng có lợi cho cơ thể nhất là vào những lúc khí hậu chuyển lạnh. Chúc chị em thành công với các công thức Bếp chia sẽ để không chỉ là người nội trợ đảm đang. Mà còn chăm lo sức khỏe cả nhà tốt nhất.