Hải sản là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe của nhiều người. Tuy nhiên, nếu sơ chế không kỹ thì mùi tanh của hải sản sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của món ăn. Chính vì thế, trong bài viết sau đây BepXua sẽ hướng dẫn bạn cách sơ chế hải sản không bị tanh nhưng vẫn giữ được dưỡng chất. Cùng tham khảo nhé!
Công dụng của việc ăn hải sản
Hải sản được biết đến là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tự nhiên như vitamin B, D, A,… Một số lợi ích khi ăn hải sản có thể kể đến như:
- Tăng sức khỏe tim mạch
- Tốt cho hệ xương khớp
- Duy trì thị lực
- Tăng cường trí óc
- Chống lại chứng trầm cảm
- Cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể
Mẹo sơ chế hải sản đơn giản
Sơ chế cá
Đối với cá sau khi mua về, bạn nên cắt mang cá và vây cá thật kỹ lưỡng. Sau đó, bạn dùng muối, chanh hoặc giấm chà xát lên thân cá, sau đó rửa lại thật kỹ bằng nước sạch từ trong ra ngoài.
Đối với các loại cá da trơn như cá biển, cá trê, cá kèo,… bạn nên dùng nước ấm để cạo sạch phần nhớt và loại bỏ phần mỡ trên da cá. Hai bộ phận này của cá là nơi tập trung nhiều chất ô nhiễm từ nguồn nước. Vì thế, để loại bỏ mùi tanh, bạn nên sơ chế cá theo cách này nhé!
Sơ chế tôm
Khi sơ chế tôm, bạn nên cho chúng ngâm với nước muối pha loãng. Sau đó, bạn rửa lại tôm thật sạch với nước lạnh. Tiếp đến, bạn cắt bỏ phần đầu tôm, lột vỏ và dùng dao khứa dọc theo sống lưng hoặc dùng tăm rút phần chỉ đen trên lưng tôm. Cuối cùng, bạn rửa tôm lại một lần nữa cho thật sạch trước khi đem đi chế biến.
Để lột bỏ vỏ tôm dễ hơn, bạn có thể thực hiện thao tác đặt tôm nằm ngang trên thớt, dùng hai ngón cái giữ hai bên vỏ sát phần đầu và chân tôm. Sau đó, bạn dùng lực tay đẩy nhẹ theo chiều dài thân tôm để vỏ tự bong ra.
Sơ chế mực
Để sơ chế mực một cách chuẩn nhất, bạn nên thực hiện theo 6 bước sau:
- Bước 1: Bạn nắm chặt thân mực và kéo nhẹ phần râu mực ra khỏi phần thân
- Bước 2: Tiếp đến, bạn loại bỏ phần túi mực và tuyến tiêu hóa trên phần râu mực
- Bước 3: Bạn rút phần xương sống màu trắng ra khỏi thân mực
- Bước 4: Bạn xẻ dọc phần thân mực và loại bỏ nội tạng còn dính lại bên trong thân mực
- Bước 5: Bạn tiếp tục dùng dao cắt nhẹ một đường bên ngoài phía đầu thân mực và lột da mực
- Bước 6: Bạn rửa sạch mực với rượu trắng, gừng hoặc giấm pha loãng để khử hoàn toàn mùi tanh của mực.
Sơ chế cua, ghẹ
Để sơ chế cua hoặc ghẹ đúng cách, bạn nên sử dụng bàn chải sạch để chà rửa các vết bẩn ở phần mai và càng. Sau đó, bạn đem cua ghẹ ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 30 phút. Tiếp đến, bạn rửa sạch cua ghẹ lại một lần nữa với nước lạnh.
Nếu bạn muốn tách phần mai ra một cách dễ dàng thì bạn nên loại bỏ phần yếm trước. Sau đó, bạn dùng một tay giữ chặt một bên chân của cua hoặc ghẹ, tay còn lại bẻ mạnh phần mai cua và tiếp tục loại bỏ hết phần lông và chất thải bên trong cua.
Sơ chế hải sản có vỏ
Hải sản có vỏ bao gồm nghêu, sò, ốc, hến,…, nếu bạn muốn sơ chế chúng thì cách đơn giản nhất là ngâm với ớt để chúng nhả hết bùn dơ, cát và chất bẩn bên trong. Trong quá trình ngâm, nếu bạn thấy nước ngả màu bẩn thì bạn nên thay nước sạch để ngâm tiếp. Bạn ngâm đến khi thấy nước sạch thì rửa lại một lần nữa qua nước lạnh và đem đi chế biến.
Lời kết
Hải sản là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách sơ chế đúng chuẩn sẽ làm cho hải sản bị tanh mà còn mất đi dưỡng chất của hải sản. Hy vọng một số mẹo mà Bếp giới thiệu sẽ giúp cho bạn chế biến thêm nhiều món ngon cho gia đình.