Chân giò heo là nguyên liệu có thể sử dụng cho rất nhiều món ngon khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người còn chưa biết sử dụng phần thịt này cho một món cực kỳ lạ miệng, hấp dẫn, đó là món chân giò tái chanh, hay tên gọi đầy đủ là chân giò giả dê tái chanh. Cách thực hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi vào bếp nhé.
Chân giò giả dê tái chanh có phần bì dai và thơm, thịt nạc rất ngọt, thấm đẫm các gia vị chua cay mặn ngọt và các vị thơm, vì vậy ăn rất giống thịt dê, nhưng mùi dễ chịu hơn thịt dê, vì vậy ai cũng có thể ăn được. Đây là một món nhậu rất phổ biến ở miền Bắc, với nguyên liệu quen thuộc và cách làm đơn giản, nhưng chắc chắn cũng sẽ là món nhậu được lòng bất kỳ thực khách nào trong cả nước.
Nguyên liệu và sơ chế
– 1 cái chân giò khoảng 800g, 8 cây sả, 1 chanh to, 2 quả ớt sừng, một ít lá chanh, 2 quả khế chua, 1 củ gừng, 1 củ riềng xay, 1 nắm lá đinh lăng, 1/3 chén vừng/mè. Các gia vị cơ bản: Bột canh, bột ngọt, đường, hạt tiêu, hạt vừng, tương bần. Rau sống các loại: lá sung, lá mơ, lá đinh lăng để cuốn. Rau thơm, dứa/thơm, chuối xanh… ăn kèm
– Chân giò đen thui cho vàng đều tất cả các mặt. Nếu mua ở ngoài chợ, tốt nhất bạn nên nhờ người bán khò luôn để rút ngắn công đoạn. Sau khi thui/khò, bạn đem rửa sạch và cạo sạch tất cả những phần đã bị cháy bên ngoài. Tiếp đó, lọc bỏ xương.
– Sả rửa sạch cắt đôi, phần củ thái thành lát mỏng, phần ngọn để nguyên và chẻ làm 4. Riềng thái mỏng rồi xay nhỏ (hoặc bạn cũng có thể mua riềng đã xay sẵn). Vừng/mè rang thơm vàng, vò nhẹ để vừng tróc vỏ.
– Khế xanh rửa sạch, gọt bỏ phần ngoài cùng của các múi, rồi thái mỏng. Lá chanh thái sợi nhỏ, gừng thái sợi nhỏ, ớt thái mỏng. Chanh 1 quả vắt nước ra bát, bỏ hạt, ớt tỏi băm nhỏ.
Cách thực hiện
Bước 1: Áp chảo chân giò
Lót lớp ngọn sả đã chả 4 xuống đáy chảo, đặt úp chân giò lên trên và tiến hành áp chảo để chân giò chín tái. Sau khi phàn dưới đã chín, bạn lật mặt thịt lên để phần trên cũng được chín tái đều. Nếu không muốn áp chảo, bạn cũng có thể hấp.
Bước 2: Thái thịt
Thịt sau khi đã áp chảo chín tái, bạn đem thái thịt thành các miếng nhỏ thật mỏng, tương tự như cách thái các loại thịt để làm nộm.
Bước 3: Trộn tái
Thịt sau khi thái xong, bạn nêm vào các gia vị sau: Sả thái mỏng, riềng xay, ½ thìa hạt nêm, ½ thìa muối, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, ½ thìa cà phê tiêu, nước cốt 1 quả chanh đã vắt nước, một nửa vừng đã rang, ớt đã thái mỏng. Tiếp đó cho khế xanh đã thái mỏng vào.
Lưu ý khi cho khế, bạn dùng tay bóp nhẹ để khế ra nước, giúp khế nhanh sầu và nước khế dễ thấm vào nguyên liệu hơn. tuy nhiên không được bóp nát, bóp một chút để khế ra nước nhưng vẫn giữ nguyên được hình cánh sao của khế nhé. Cuối cùng bạn dùng đũa hoặc đeo găng tay và trộn đều các nguyên liệu. Sau khi trộn xong, bạn để nguyên trong 10-15 phút để các nguyên liệu ngẫm đẫm gia vị.
Bước 4: Làm đồ chấm
Cách 1: Tương bần pha thêm đường, bột ngọt, một ít tương ớt, gừng thái sợi và trộn đều lên là được.
Cách 2: Bạn pha nước mắm chua ngọt với tỷ lệ sau: 1 thìa nước mắm, 2 thìa nước lọc, 1 thìa nước chanh, 1 thìa đường. Tất cả khuấy đều lên. Khi đường tan hết bạn cho tỏi ớt băm nhuyễn và gừng thái sợi nhỏ vào là hoàn thành.
Bước 5: Trình bày và thưởng thức
Xếp dưới mẹt hoặc mâm các loại rau sống, lá đinh lăng, lá mơ, lá sung. Cho chân giò giả dê tái chanh ra đĩa cùng với nước chấm. Rắc lên trên vài thìa vừng/mè cho đẹp mắt. Đặt đĩa vào giữa mẹt rau sống cùng với các chén nước chấm.
Khi ăn món này, bạn cuộn cùng với lá sung, hoặc lá mơ, lá đinh lăng và ăn kèm các loại rau sống khác. Đồ chấm hợp nhất với món ăn chính là tương bần, nhưng ngoài ra chấm với nước chấm chua ngọt cũng rất ngon. Nếu ở miền Nam không quen cuốn lá sung, lá mơ, bạn cũng có thể cuốn cùng bánh tráng nhé.
Lời kết
Trên đây là cách làm món chân giò tái chanh, một món ăn với nguyên liệu quen thuộc, cách làm đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn. Món này bạn có thể sử dụng để đổi món trong bữa cơm gia đình, hoặc làm món nhậu thì hết ý.