Tổng hợp cách nấu các món lẩu đặc sản miền Tây

Lẩu miền Tây từ lâu nổi tiếng cả nước bởi hương vị đặc biệt không nơi đâu có được. Với các du khách khi đến vùng sông nước đều không bỏ qua cơ hội thử các đặc sản này. Còn với mỗi người dân nơi đây từng nồi lẩu mắm, cá linh bông điển điển đều gắn liền tuổi thơ. Những bữa cơm đầm ấm hay tiệc tùng cuối tuần đừng bỏ qua dịp trổ tài với những món ngon này.

1. Lẩu mắm miền Tây

Món lẩu chỉ nghe mùi thơm từ xa là những fan chính hiệu sẽ nhận ra ngay. Hương vị đậm đà từ sự kết hợp của các nguyên liệu dân dã như mắm, cá, mực, thịt, cà tím và các loại rau. Tùy theo khẩu vị bạn có thể nấu mắm cá linh hoặc mắm cá sạc đều ngon đúng điệu miền Tây.

Nguyên liệu:

  • 200 gram mắm cá linh
  • 300 gram xương ống heo
  • 200 gram thịt ba chỉ
  • 200 gram cá hú
  • 200 gram tôm sú
  • 200 gram mực
  • 200 gram chả cá thác lác
  • 200 ml nước dừa tươi
  • 2 trái cà tím
  • 1 kg bún tươi
  • 1 trái khổ qua
  • 1 củ tỏi
  • Các loại rau ăn kèm lẩu: bông điên điển, bông súng, rau nhút, bắp chuối bào, rau dừa, so đũa…(tùy khẩu vị chuẩn bị nhiều hay ít)
  • 5 cây sả
  • 3 trái ớt
  • Gia vị
  • Xương ống, thịt ba chỉ rửa với nước muối pha loãng khử mùi tanh, rửa lại nhiều lần cho sạch. Thịt cắt miếng mỏng vừa ăn, tôm, mực rửa sạch, mực cắt khúc vừa ăn còn tôm cắt râu bỏ. Cá hú rửa với nước giấm để bỏ nhớt và rửa lại với nước nhiều lần rồi cắt khúc nhỏ. Chả cá thác lác mua về ướp cùng 1 muỗng hạt nêm và tiêu xay dùng chày hay muỗng đánh cho cá dai. Sau đó tạo hình cá thành tròn hay dài cho đẹp mắt.
  • Cà tím, khổ qua rửa sạch cắt khúc nhỏ. Sả rửa một nữa băm nhuyễn, một nữa để nguyên cây đập dập. Tỏi bóc vỏ cho vào máy tỏi ớt xay nhuyễn. Bún mua về rụng qua nước sôi cho vào rỗ cho ráo nước. Các loại rau ăn cùng lẩu nhặt bỏ phần hư, ngâm cùng nước muối pha loãng tầm 5 phút sau đó vớt ra để vào rỗ.
  • Bắt nồi nước lên, khi nước thật sôi cho xương heo vào cùng tí muối. Liên tục vớt bọt cho nước trong. Cho lửa vừa để xương heo mềm cho nước ngọt.
  • Trong quá trình ninh xương, bắt nồi nước khác sôi cho 200 gram mắm cá linh vào nấu sôi khoảng 10 phút sau đó lọc qua rây để lấy nước. Bắt chảo lên, cho dầu ăn vào, tiếp tục cho tỏi và sả băm nhuyễn vào phi thơm. Sau đó cho thịt ba chỉ vào xào cho săn. Cho khổ qua và cà tím vào xào khoảng 5 phút tắt bếp.
  • Nồi xương heo đang hầm gần mềm, cho nước mắm đã lọc, cùng hỗn hợp thịt, cà tím, khổ qua vào. Mở lửa to khi sôi cho vào 3 muỗng canh đường cùng hạt nêm vào nêm vừa ăn đảo thật đều nồi nước lẩu rồi tắt bếp.
  • Múc nước lẩu vào nồi, cho ớt cắt vào đặt lên bếp gas hay bếp cồn. Xếp các loại rau vào dĩa, tôm, mực, cá hú, chả cá vào dĩa cùng dĩa bún. Mời cả nhà thưởng thức món lẩu thơm ngon nức tiếng này.

2. Lẩu lươn miền Tây

Lươn vốn là thực phẩm giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhiều lứa tuổi. Thay vì quen thuộc với cách xào sả nghệ hay nấu cháo, lẩu là cách lựa chọn mới. Thịt lươn mềm ngọt, nước lẩu chua chua cay cay cực mê.

Nguyên liệu:

  • 1kg lươn
  • 3 cây sả
  • 5 củ hành tím
  • 5 tép tỏi
  • 5 trái ớt
  • 10g me tươi
  • 1kg bún
  • Rau ăn kèm: đậu bắp, cà chua, rau chuối, rau muống, bông súng…
  • Gia vị

Cách làm:

  • Lươn làm sạch, rửa với nước cốt chanh hoặc nước ấm để loại bỏ hết chất nhờn.
  • Đổ 50ml nước ấm vào lấy nước cốt, hành tím, tỏi băm nhuyễn. Sả đập dập, băm nhỏ còn ớt xắt lát.
  • Lươn sau khi ráo nước, ướp cùng 2 muỗng canh sả băm, hỗn hợp hành tím và tỏi băm. Thêm vào 1 muỗng cà phê muối, bột ngọt, đường, 2 muỗng canh hạt nêm, tí nước mắm và vài lát ớt. Trộn đều và để 30 phút cho lươn thấm gia vị.
  • Các loại rau rửa sạch, cà chua xắt múi cau, đậu bắp xắt khúc vừa ăn. Rau chuối bào mỏng, rau muống và bông súng xắt khúc.
  • Bắt nồi nước lên, đổ 2 muỗng canh dầu ăn vào làm nóng rồi cho hành tím và tỏi vào phi thơm. Vớt ra cho sả băm và ớt vào xào thơm rồi đổ nước vào nấu sôi.
  • Đổ nước cốt me vào, nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
  • Múc nước lẩu ra nồi, chuẩn bị dĩa bún rụng, rau, chén nước mắm có vài lát ớt. Khi nước sôi lại cho lươn vào nấu chín, thả rau vào và thưởng thức thôi.

3. Lẩu cua đồng miền Tây

Món lẩu cua đồng luôn “thương nhớ” hội sành ăn bởi vị ngon ngọt khó tả. Có nhiều topping được ăn kèm tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người. Dưới đây Bếp sẽ bật mí cách nấu lẩu kết hợp với chả cá, đậu hũ và hột vịt lộn.

Nguyên liệu:

  • 500g cua đồng xay
  • 200g chả cá
  • 3 miếng đậu hũ chiên
  • 200g nấm rơm
  • 5 trứng vịt lộn
  • 4 trái cà chua
  • 1 củ hành tím
  • 2 nhánh hành lá
  • Rau ăn kèm
  • Bún hoặc mì
  • Gia vị

Cách nấu lẩu:

  • Thịt cua xay cho 1/2 muỗng cafe muối vào, đổ nước vào khuấy đều. Lược từng phần cua nhỏ để lấy được hết phần thịt, đổ qua rây lấy nước dùng.
  • Nấm rơm xắt bỏ đầu, ngâm muối rồi cắt đôi. Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn, hành lá xắt khúc. Rau ăn kèm rửa sạch, cà chua xắt múi cau.
  • Bắt chảo lên bếp, tiến hành phi thơm hành tím rồi cho cà chua vào xào săn. Chả cá thêm gia vi, đánh đều tạo độ dai, đậu hũ xắt miếng vuông.
  • Bắt nồi nước lược cua lên, nấu sôi ở lửa vừa để gạch không bị bể.
  • Khi gạch cua nổi lên, tạo tảng lớn thì vớt ra, đổ cà chua vào. Khi nước sôi lại cho chả cá vào và nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
  • Múc nước lẩu ra nồi, thêm nấm rơm, hột vịt lộn, rau, đậu hũ vào. Khi chín chan vào chén bún hay mì và thưởng thức lúc nóng rất ngon.

4. Lẩu vịt nấu chao miền Tây

Nguyên liệu:

  • 1 con vịt đã làm sạch
  • 1 hũ chao
  • 1kg bún tươi
  • 400g khoai môn
  • 1 trái dừa
  • 2 củ hành tím
  • 2 củ tỏi
  • 20g hành lá
  • 2 trái ớt
  • 1 củ gừng
  • Rau nhúng lẩu
  • Gia vị

Cách nấu lẩu:

  • Vịt sơ chế, rửa sạch, chặt khúc vừa ăn cho 1 muỗng canh muối, lát gừng và 1 muỗng canh rượu trắng vào. Dùng tay chà xát để khử mùi hôi rồi rửa lại 2-3 lần nước. Sau đó để ráo và ướp cùng 2 muỗng canh đường, hạt nêm, chao, 1 muỗng canh hành tím và tỏi băm. Trộn đều và để 30 phút cho thịt thấm gia vị.
  • Khoai môn gọt vỏ, xắt miếng vừa ăn, hành lá xắt khúc, các loại rau rửa sạch. Dừa lấy nước để nấu lẩu cho ngọt.
  • Khoai môn chiên sơ để khi nấu không bị nát.
  • Chuẩn bị nồi to, bắt lên bếp, cho dầu màu điều vào làm nóng. Cho hành và tỏi băm còn lại vào phi thơm rồi cho thịt vịt vào xào săn. Đổ 700ml nước lọc vào ngập thịt nấu đến khi thịt mềm.
  • Đổ thêm nước dừa tươi vào đến khi sôi lại cho khoai môn vào nấu 10 phút. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng là có thể tắt bếp.
  • Làm nước chấm chao: cho vào chén 50g chao, 2 muỗng cà phê nước chao. Thêm 2 muỗng canh đường và ớt băm nhuyễn vào khuấy đều cho tan chao.
  • Múc vịt nấu chao ra nồi ăn lẩu, bắt lên bếp, nhúng rau ăn với bún rất tuyệt vời.

5. Lẩu cháo cá lóc miền Tây

Nồi lẩu cháo cá lóc rau đắng thơm ngon bùng vị không chỉ có nhiều chất dinh dưỡng. Mà có giúp cơ thể giải cảm hay lấy lại năng lượng sau ngày dài làm việc mệt mỏi. Thịt cá dai ngọt, cháo mềm nhừ cùng rau đắng ăn đỡ ngán lại thanh mát.

Nguyên liệu:

  • 1 con cá lóc
  • 1 chén gạo tẻ
  • 1/2 chén gạo nếp
  • 300g thịt heo xay
  • 300g nấm rơm
  • 6 củ hành tím
  • 3 nhánh hành lá
  • 2 nhánh ngò rí
  • Rau đắng, giá đỗ
  • 2 trái ớt
  • Gia vị

Cách nấu cháo:

  • Cá lóc sau khi làm sạch, cho vào thau nước có pha muối và giấm ăn. Cạo nhiều lần để sạch nhớt, rửa lại 2-3 lần nước rồi dùng dao khứa vài đường.
  • Hành tím băm nhuyễn 3 củ còn lại xắt lát, nấm rơm bỏ đầu, ngâm muối rồi xắt đôi. Hành lá, ngò rí xắt nhỏ, rau rửa sạch, để ráo.
  • Cho thịt heo xay vào tô, ướp cùng hành tím băm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, đường và tiêu xay. Trộn đều và để 15 phút cho thịt thấm gia vị.
  • Cho cá lóc vào dĩa, cho 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, đường và tiêu xay. Trộn đều và để 15 phút cho cá thấm gia vị.
  • Vo gạo rồi trộn với 2 muỗng canh dầu ăn và để yên 5 phút. Sau đó đổ vào nồi cùng 4 lít nước lọc đến khi sôi hạ lửa nhỏ nấu 50 phút cho gạo nở nhừ. Vo tròn thịt xay vào nấu chín rồi cho nấm rơm vào.
  • Bắt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào làm nóng rồi cho hành tím xắt lát vào phi thơm. Cho cá xào, nêm thêm 1/2 muỗng canh nước mắm, trở mình lại rồi cho hành lá vào. Đậy nắp cá lại và hấp trong 15 phút cho chín mềm.
  • Đổ nước cá hấp vào nồi cháo, nêm nếm gia vị và tắt bếp.
  • Múc cháo ra nồi lẩu, bắt lên bếp, cá hấp gắp ra dĩa rắc tiêu xay lên. Chuẩn bị dĩa rau và chén nước mắm mặn có vài lát ớt.
  • Chén cháo cá lóc rau đắng “vừa thổi vừa ăn” thích hợp để chiêu đãi cả nhà buổi tối.

6. Lẩu cá linh điên điển miền Tây

Cá linh là loại đặc sản của miền Tây sông nước với vị ngọt tự nhiên cùng nhiều chất dinh dưỡng. Nồi lẩu dân dã là lựa chọn tuyệt vời cho những ngày mưa rả rích tụ họp cả nhà. Nguyên liệu thôn quê gồm:

  • 1kg cá linh
  • 400g me trái
  • 600g bông điên điển
  • 400g bông so đũa
  • 6 trái cà chua
  • 1 củ tỏi
  • 1 củ hành tím
  • 2 trái ớt
  • Gia vị

Cách nấu lẩu:

  • Cá linh ngâm nước muối, rửa sạch, cho vào rổ cho thật ráo nước. Bông so đũa, điên điển rửa sạch, để ráo, cà chua xắt múi cau. Tỏi và hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn, me rửa sạch, ớt xắt lát.
  • Khi cá ráo nước, cho vào tô ướp cùng 2 muỗng cà phê muối, 4 muỗng cà phê đường và hạt nêm vào. Thêm vài lát ớt cay rồi trộn đều để cá thấm gia vị.
  • Bắt nồi lên bếp, đổ dầu ăn vào làm nóng, cho hỗn hợp hành và tỏi vào phi thơm. Cho cà chua vào xào săn rồi cho ra tô, đổ nước vào nấu sôi. Múc nước sôi cho vào tô me dầm lấy nước cốt rồi đổ vào nồi. Thêm cà chua vào và nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.
  • Múc nước dùng ra nồi lẩu, nhúng cá linh, bông điên điển, so đũa vào. Bạn có thể ăn cùng bún hay cơm đều thơm ngon tròn vị.

Lời kết

Top 6 món lẩu trên bạn phải thử ít nhất một lần trong đời để cảm nhận hương vị khó quên này. Những ngày ngán cơm thèm bún hay mì ăn kèm nước lẩu sẽ đánh thức vị giác. Thích hợp nhất vào ngày mưa hay đông đến thời tiết se lạnh cầm làm món ngon nóng hổi. Bếp chúc các bạn sẽ có những giây phút đầm ấm bên nồi lẩu ngon miệng lại rất bổ dưỡng.

Nhập bình luận

Kết bạn cùng Bếp nhé!

Bếp sẽ gửi cho bạn những nội dung đặc biệt hữu ích.