Mẻ là một trong các loại gia vị truyền thống rất độc đáo của người Việt Nam. Khắp các vùng miền trong cả nước đều dùng nguyên liệu này để chế biến món ăn. Tuy nhiên, cách nuôi cơm mẻ như thế nào để chúng vừa có vị chua ngọt thanh, mùi thơm dịu, không bị ố vàng hay nấm mốc thì không phải ai cũng biết. Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể cách nuôi cơm mẻ để đạt được các tiêu chí lý tưởng như trên nhé.
Có rất nhiều cách nuôi cơm mẻ. Một là bạn có thể làm bằng cách nấu cháo, hoặc là bạn làm bằng cách sử dụng cơm nguội hòa với nước. Tuy nhiên, có một cách nuôi cơm mẻ cho bạn thành phẩm với mùi thơm dịu, vị chua ngọt thanh thanh, màu sắc trong mát rất đẹp mắt. Đó là nuôi cơm mẻ bằng cơm và nước cơm. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách nuôi này.
Chuẩn bị
1 chén gạo, nồi nấu cơm trên bếp ga hoặc bếp điện, 1 chiếc lọ hoặc liễn bằng thủy tinh, sành sứ, đánh sạch, tráng qua với nước sôi và hong thật khô để khử khuẩn.
Cách làm
Bước 1: Cho vào nồi 1 chén gạo, vo sạch. Sau đó đổ nước vào để nấu như nấu cơm. Tuy nhiên lượng nước nên nhiều hơn gấp đôi nước nấu cơm bình thường.
Bước 2: Cho nồi lên bếp ga hoặc bếp điện, nấu trên lửa to. Đến khi cơm sôi, hạt gạo chuyển sang màu trong, không còn nhân đục đục bên trong là được. Lúc này, bạn chắt hết nước cơm ra tô.
Bước 3: Đối với cơm trong nồi, bạn đảo đều, đậy nắp, sau đó bắc lại lên bếp, để chế độ lửa nhỏ nhất. Nấu trong khoảng 15 phút là cơm chín. Đây là cách nấu cơm chắt nước truyền thống thời chưa có nồi cơm điện, mà có lẽ nhiều người đã biết.
Bước 4: Sau khi cơm chín, bạn xơi cơm ra tô rồi để thật nguội.
Bước 5: Tiến hành làm cơm mẻ. Sử dụng một chiếc lọ hoặc liễn đã rửa sạch, hong khô, cho cơm và nước cơm vào. Tỷ lệ giữa cơm và nước cơm như sau: 1 chén cơm + 2 chén nước cơm.
Bước 6: Trộn đều cơm và nước cơm, sau đó, bạn sử dụng một tấm vải màn hoặc tấm lưới mắt nhỏ đậy lại. lấy sợi dây chun cố định vải. Sau đó bạn có thể lấy nắp lọ đậy lại, tuy nhiên lưu ý bạn chỉ vặn hờ nắp để không khí có thể lọt vào, không đậy kín hoàn toàn. Để nơi khô ráo, thoáng mát trong 1 tuần là mẻ lên men chua và có thể dùng được.
Lưu ý trong quá trình nuôi cơm mẻ
– Tuần đầu tiên: Cứ mỗi 2-3 ngày, bạn mở nắp lọ ra, dùng muỗng sạch và khô khuấy đều lên. Cách này là để bề mặt cơm mẻ luôn được thay đổi, chống bị ố vàng hoặc mốc.
– Từ tuần thứ 2, bạn bắt đầu tiến hành cho mẻ ăn. Cách làm như sau: Sử dụng 1 chén cơm nguội và 1 chén nước. Lưu ý cả cơm, chén và nước đều phải sạch sẽ và không được dính đồ mặn. Mẻ khi gặp muối chúng sẽ bị chết. Khuấy đều cơm và nước vào với nhau, sau đó đổ vào lọ mẻ.
– Tuần thứ 3: 7 ngày sau tính từ khi bạn cho mẻ ăn, lúc này cơm mẻ đã rất chua và bạn có thể lấy ra sử dụng. Rồi bạn lại tiếp tục cho mẻ ăn. Nên cho mẻ ăn mỗi tuần đều đặn để mẻ có thức ăn để sống khỏe. Nếu chậm cho mẻ ăn, mẻ hết thức ăn sẽ dần ố vàng rồi chết.
Lời kết
Trên đây là cách làm cơm mẻ chua ngọt thanh, thơm dịu và không bị ố vàng hay nấm mốc. Với phương pháp cực kỳ hữu ích này, lọ mẻ nhà bạn luôn có màu đẹp, sạch sẽ, và nấu mọi món ăn đều thơm ngon.