Giò thủ (giò tai heo) là một món ăn thường có mặt trong các mâm cỗ ngày lễ tết. Món ăn là sự kết hợp từ tai, mũi, mép, lưỡi heo cùng với nấm mèo, hành tỏi và các loại gia vị. Một món giò thủ hoàn hảo cần đảm bảo thơm ngon, đặc biệt là dai giòn dễ ăn và không gây ngán. Hãy áp dụng ngay bí quyết dưới đây để tạo được món giò thủ dai giòn sần sật và hương vị hấp dẫn bạn nhé.
Khử mùi hôi của thịt thật kỹ
Để làm giò thủ, các nguyên liệu cần có gồm tai heo, lưỡi heo, mũi và mép heo, nấm mèo tiêu xay dập, tỏi, hành tím, gừng, bột ngọt, hạt nêm, đường, nước mắm, muối, dầu ăn.
Trong đó, tai, lưỡi, mũi và mép heo đều là những bộ phận khá nặng mùi, vì vậy trước hết bạn cần phải khử mùi thật kỹ kể cả đối với thịt mông. Với tai heo, bạn rửa sạch với nước, rồi dùng muối chà sát toàn bộ bề mặt. Sau đó bạn rửa sạch và tiếp tục ngâm với hỗn hợp giấm, chanh và rượu trắng. Ngâm trong khoảng 15 phút, bạn vớt ra, rửa lại với nước sạch, để ráo.
Cuối cùng, khi cho vào nồi nước luộc, bạn đập dập một củ hành tím bỏ vào luộc cùng để hành hút hết mùi hôi của tai héo nhé. Với cách khử mùi hôi này, bạn hãy áp dụng tương tự với mũi, mép và thịt mông nhé.
Riêng với lưỡi lợn, để hết mùi hôi, trước hết bạn phải chần qua nước sôi để cạo bỏ phần màng trắng trên bề mặt lưỡi. Sau đó, rửa thật sạch với nước rồi dùng nửa quả chanh vắt lấy nước và muối hạt bóp thật kỹ để tẩy sạch mùi hôi và làm trắng lưỡi. Cuối cùng, rửa lại 1 – 2 lần dưới vòi nước chảy cho thật sạch, để ráo nước trước khi luộc.
Ướp và xào nguyên liệu
Sau khi luộc các nguyên liệu trên, bạn thái tai lợn, chân giò, lưỡi lợn thành những miếng mỏng. Lưu ý là bạn nên thái thật mỏng để miếng giò thủ giòn dai hơn và không bị cứng. Sau đó đem ướp với ít gia vị gồm hạt nêm, nước mắm, tiêu xay, đường trong khoảng 25 – 30 phút. Bạn lưu ý chỉ ướp một lượng gia vị vừa phải để tránh món giò thủ bị mặn, khi xào giò sẽ nêm thêm nếu chưa vừa miệng. Món giò thủ nếu bị mặn sẽ rất dở.
Tiếp tục, bạn cho một ít dầu vào chảo đun nóng, phi thơm thơm hành và tỏi băm, sau đó cho thịt đã ướp vào xào cùng. Đảo đều tay khi xào và để lửa vừa cho thịt được chín đều. Khi thịt gần chín, cho nấm hương và mộc nhĩ đã thái nhỏ vào xào cùng. Xào đến khi cạn nước, thịt hơi cháy cạnh, thì rắc 1 chút hạt tiêu vào đảo đều rồi tắt bếp. Lưu ý, bạn không nên xào thịt quá kỹ, quá khô, vì khi ăn giò sẽ bị khô và cứng.
Cuốn giò như thế nào?
Lá chuối sau khi rửa sạch bạn để ráo rồi hơ qua lửa để lá chuối mềm hơn, thơm hơn và cuốn thịt dễ dàng hơn. Bạn xếp lá chuối vào trong khuôn giò, sau đó đổ thịt xào còn nóng hổi trên bếp vào. Hãy nhớ là gói giò khi thịt còn nóng. Dùng muôi ấn nguyên liệu xuống cho chắc, nhưng đừng quá chặt vì giò sẽ bị cứng. Sau đó siết chặt ép giò để miếng giò không bị tơi. Sau khoảng 1 ngày là bạn đã có thể thưởng thức miếng giò tai giòn ngon sần sật rồi.
Lời kết
Trên đây là bí quyết làm giò thủ dai giòn sần sật. Làm giò thủ khá đơn giản, ai cũng có thể làm được. Tết năm nay, hãy trổ tài làm món ăn này, áp dụng thêm các bí quyết trên để có được thành phẩm hoàn hảo đãi cả gia đình và khách khứa các mẹ nhé.