Rau mồng tơi là loại rau được sử dụng hàng ngày trong bữa cơm gia đình người Việt vào mỗi mùa hè. Mồng tơi là loại rau đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người nhưng điều này chỉ đúng khi bạn hiểu rõ cây mùng tơi và ăn chúng một cách hợp lý. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loại rau này nhé.
Thành phần có trong mồng tơi
Tên khoa học là Basella rubra Lin, thuộc họ mồng tơi. Mồng tơi có tính hàn, có tác dụng tán nhiệt và không chứa độc. Nghiên cứu cho thấy, trong lá mồng tơi tươi nhiều vitamin (chủ yếu là vitamin A và B), chứa calcium, sắt, protein, chất nhầy. Chất nhầy là thành phần đặc biệt trong mồng tơi, dùng để chữa bệnh rất tốt, chất nhầy này giúp nhuận tràng, thải chất béo, rất tốt cho người có lượng mỡ và đường cao trong máu.
Lợi ích của cây mồng tơi
Thanh nhiệt, giải độc, chữa táo bón: Bạn chuẩn bị một nắm lá mồng tơi đã rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha với nước lọc cho loãng rồi uống. Uống vài lần sẽ đại tiện dễ hơn.
Nếu không thể uống nước mồng tơi, bạn có thể nấu rau mồng tơi với mắm, muối, tương, giấm thành canh để ăn với cơm.
Tốt cho xương khớp, giảm nguy cơ loãng xương, giúp làm lành nhanh vết thương: Hàm lượng canxi có trong mồng tơi giúp răng và xương chắc khỏe hơn, giúp cải thiện cơ bắp, hormone và hệ thần kinh của con người. Hầm chân giò với mùng tơi sẽ giúp trị đau xương khớp rất hiệu quả. Khi bị bỏng, bạn có thể dùng nước cốt từ rau mùng tơi để lành nhanh vết thương.
Hỗ trợ giảm cholesterol và chất béo có trong cơ thể: chất nhầy trong mồng tơi sẽ hấp thu cholesterol, cholesterol bị giữ lại nên chất béo có trong thực phẩm không thể ngấm qua màng ruột. Vì vậy, ăn rau mồng tơi rất tốt cho người có lượng mỡ và đường trong máu cao.
Bảo vệ đôi mắt, chống lão hóa và ung thư: mùng tơi chứa rất nhiều vitamin A bảo vệ mắt khỏi nguy cơ bị đục thủy tinh thể và thị lực suy giảm, giúp giảm nguy cơ bị ung thư vòm họng và ung thư phổi. Các sắc tố carotenoid chống oxy hóa như beta-caroten, lutein và zeaxantin có tác dụng trung hòa các gốc tự do có hại do cơ thể tạo ra.
Có lợi cho tim mạch: chất xơ và chất oxy hóa trong mồng tơi rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là tim mạch. Bên cạnh đó, chất xơ có tác dụng làm giảm cholesterol, nguyên nhân gây ra hiện tượng tắc mạch máu, dẫn đến bệnh tim.
Có lợi cho người bị thiếu máu: trong lá mồng tơi có chứa rất nhiều chất sắt, giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu.
Cải thiện hệ miễn dịch: lá mồng tơi có chứa vitamin C, bổ sung vitamin C sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch, phòng chống và giảm thời gian mắc bệnh.
Những ai không nên ăn mồng tơi?
Nhiều tác dụng như vậy nhưng không phải ai cũng có thể ăn loại rau này, những người đang bị những bệnh sau đây nên tránh ăn mồng tơi vì có thể gây hại cho cơ thể, làm bệnh nặng hơn.
Người bị sỏi thận: trong mồng tơi có chứa hợp chất hữu cơ purin mà khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric khiến sỏi thận phát triển. Ngoài ra, axit oxalic trong rau cũng làm tăng nồng độ canxi oxalate có trong nước tiểu, khiến sỏi thận có điều kiện phát triển.
Người có bệnh đau dạ dày: mồng tơi chứa nhiều chất xơ có thể khiến người bị đau dạ dày khó chịu nếu ăn nhiều nên nếu bạn bị bệnh về dạ dày nên hạn chế ăn loại rau này.
Người vừa lấy cao răng: mồng tơi có thể để lại mảng ố bám lại trên răng do chất axit oxalic có trong rau không thể hòa tan trong nước. Vì vậy, trong khoảng thời gian 1 – 2 tuần sau khi đi lấy cao răng, nên tránh ăn rau mồng tơi.
Người đang bị tiêu chảy: vì mồng tơi có tính hàn lại có tác dụng nhuận trang nên những ai đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng thì không nên ăn vì sẽ làm cho bệnh thêm nặng hơn.
Một số lưu ý khi ăn rau mồng tơi:
Không nên ăn quá nhiều rau mồng tơi: vì trong mồng tơi có chứa axit oxalic khiến cơ thể hấp thụ kém các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Để khắc phục vấn đề này, bạn có thể ăn kèm với thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, cà chua,…
Không nên kết hợp mồng tơi với thịt bò: vì sẽ làm mồng tơi mất đi tính nhuận tràng, tiêu hóa kém đi. Những người đang bị táo bón nên tránh hai thực phẩm này vì sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
Không ăn mồng tơi sống: ăn mồng tơi sống có thể gây khó tiêu, đầy bụng. Loại rau này chỉ phát huy hết công dụng của nó khi được nấu chín. Vì thế không nên ăn mồng tơi còn sống.
Không ăn mồng tơi đã chế biến để qua đêm: mồng tơi đã nấu chín để trong một khoảng thời gian quá lâu sẽ khiến vi khuẩn bị phân hủy, nitrat trong rau chuyển thành nitrite, một chất gây ung thư. Khi vào dạ dày chất này thành N – nitroso, hợp chất nhày gây lên các căn bệnh ung thư dạ dày, thực quản và các bệnh ở hệ tiêu hóa.
Những món canh mồng tơi ngọt mát trong ngày hè
Canh cua mồng tơi rau đay là món ăn dân dã quen thuộc với gia đình người Việt. Canh cua ăn kèm với cà pháo giòn tan rất hoàn hảo và tuyệt vời đấy. Nếu thời tiết quá nóng nực, chán ăn hay ngán ngẩm với những bữa cơm đầy dầu mỡ thì hãy ra trổ tài ngay để thưởng thức cùng gia đình nhé.
Nếu thích tôm thì bạn có thể nấu món canh mồng tơi với tôm, món canh rất thanh đạm, vị ngòn ngọt của tôm sẽ rất đưa cơm đó.
Lời kết
Mong rằng sau khi đọc xong bài viết trên mọi người sẽ hiểu rõ hơn và có thể nấu món canh rau mồng tơi thật ngon và bổ dưỡng cho gia đình mình. Chúc bạn và gia đình có bữa cơm thật ấm áp và vui vẻ.