10 LOẠI RAU CẢI HAY NHẦM LẪN VÀ CÁCH PHÂN BIỆT

Rau cải là loại rau được nhiều người biết đến và sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Nhưng quá nhiều loại rau cải cũng khiến chúng ta khó phân biệt và khó lựa chọn loại rau phù hợp cho bữa cơm gia đình. Hãy để Bếp Xưa giúp bạn phân biệt 10 loại rau cải dễ nhầm lẫn nhất nhé!

1. Cải thảo 

Cải thảo còn được gọi là cải bao, cải cuốn, cải bắp tây là phân loài thực vật thuộc họ Cải ăn được có nguồn gốc từ Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trong các món ăn ở Đông Nam Á và Đông Á.

Loại cải này cao 30-60cm , mọc chụm với nhau ở phần gốc rồi xếp chồng tạo thành một kết cấu chặt chẽ. Chúng thường có hình trụ dài, đỉnh hơi thuôn nhọn. Ở mỗi phiến lá đều có sống lá màu trắng, kích thước dày. Bẹ cải thận mọng nước, dày mình, phần lá dễ nát.

Cải thảo được sử dụng khá phổ biến trong bữa ăn của người Việt. Bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: cải thảo xào, cải thảo cuộn thịt, canh cải thảo, nhúng lẩu,…

2. Cải bẹ 

Cải bẹ có nguồn gốc từ khu vực dãy núi Himalaya của tiểu lục địa Ấn Độ và được trồng trọt từ hơn 5000 năm trước đây. Người Việt còn gọi cải bẹ với một số tên khác nhau như cải cay, cải sen, hay cải bẹ dưa.

Rau cải bẹ có lá hình quạt, gốc cuống lá to ôm chặt vào thân. Khi làm các món ăn, rau cải bẹ có vị cay hơi đắng và thường được dùng để muối dưa.

3. Cải bẹ xanh

Cũng giống như cải bẹ, cải bẹ xanh có vị đắng nhưng bẹ lá nhỏ hơn, chủ yếu tập trung phát triển lá. Phần lá màu xanh đậm, lá mỏng, rất hợp để nấu canh. Vị cay và đắng nhẹ của loại cải này có thể hợp với cả nấu với thịt, nấu với hến, ngao… Cải bẹ xanh dễ trồng, có thể trồng ở hộp xốp cũng sinh trưởng tốt.

Trong cải bẹ xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt như canxi, sắt, kali, riboflavin, magiê và thiamine (vitamin B1), cũng như một lượng nhỏ kẽm, selen, phốt pho, niacin (vitamin B3) và folate.

4. Cải thìa

Cải thìa hay cải bẹ trắng, cải chíp, bạch giới tử là một loài cải thuộc họ cải cùng họ với cải thảo, cải bẹ xanh. Cải thìa là loại rau rất gần gũi với các món ăn của người Việt Nam.

Cải thìa mọc cao khoảng 23cm cuống dày, có nhiều gân và chứa nhiều nước, hoa nhỏ màu vàng mọc trên các cuống cao. Cải thìa có vị ngọt, tính mát, không độc, hạt vị cay, tính ấm. Được sử dụng để chế biến các món ăn như cải thìa xào nấm, cải thìa xào bò, canh cải thìa,…

5. Cải bó xôi

Cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt bắt nguồn từ các nước Trung Á và Tây Á. Đây là loại thân thảo, có chiều cao 5-10cm và mọc thẳng đứng. Cải bó xôi thường có cuống nhỏ và lá xanh đậm, lá mọc chụm lại ở một gốc bé xíu, thân và lá giòn, dễ gãy, dập. 

Ở Việt Nam, loại cải này được trồng chủ yếu ở vùng miền núi có nhiệt độ trung bình thấp hoặc vụ mùa đông ở đồng bằng Bắc Bộ. Cải bó xôi được giới chuyên gia dinh dưỡng ưu ái gọi là “siêu thực phẩm” vì có thành phần vitamin và các nguyên tố khoáng vi lượng rất phong phú nên được sử dụng để hỗ trợ giảm cân, tăng cường thị lực, giúp xương chắc khỏe, bổ máu,…

6. Cải ngọt

Cải ngọt là loại cải phổ biến và được sử dụng nhiều nhất trong căn bếp Việt, được trồng quanh năm, thời gian sinh trưởng ngắn.

Cải ngọt có thể cao tới 50-100cm, thân tròn, không lông, lá có phiến xoan ngược tròn dài. Lá có màu xanh thậm, phần lá có đầu tròn, hơi tù, mép lá có nhiều gân và lá có màu xanh đậm, càng về cuống thì càng nhạt. Cải ngọt được sử dụng để chế biến rau cải xào, nấu canh, xào thịt bò, nấu mì,…

7. Cải ngồng

Cải ngồng nguyên liệu tạo nên linh hồn cho các món ăn, bổ sung cho cơ thể những giá trị dinh dưỡng quý giá. Cải ngồng có nhiều ở Trung Quốc. Thân cải to, mềm, không phân nhánh. Lá to và dày, bề mặt nhẵn và thường có hoa màu vàng.

Trong cải ngồng rất giàu khoáng chất các vitamin A, B, C, chất beta caroten chống oxy hóa. Bên trong cây cải chứa nhiều vitamin như vitamin B1, B2, Betacaroten…Các hoạt chất này vừa tốt cho cơ thể vừa làm đẹp da, giúp nâng cao sức đề kháng chống chọi lại sự thay đổi của thời tiết.

8. Cải cúc

Cải cúc hay còn được gọi là rau tần ô là loại thực vật có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và khu vực Đông Á. thân có thể cao tới 1.2m, lá ôm vào thân, xẻ thành hình lông chim. Cụm hoa ở nách lá, bông hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu vàng lục, mùi thơm.

Cải cúc vừa là rau, vừa lá thuốc, có tính mát và giúp giải nhiệt, lưu thông khí huyết. Cải cúc chủ yếu được dùng để nấu canh với tôm sú, thịt băm hoặc có thể dùng để nhúng lẩu, tần cùng thịt gà… 

9. Cải xoăn

Dù mới du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây nhưng cải xoăn (Kale) được nhiều người ưa chuộng bởi vì giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại.

Cải xoăn là một loại cây thuộc họ thân thảo, sống lâu năm với thân cao từ 1 – 1,5 mét. Nó có vị hơi đắng và được xem là có họ hàng gần với các loại rau như bắp cải, súp lơ, cải bruxen hay rau xanh collard.

Cải xoăn còn là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng dồi dào, cùng với đó là nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Giúp hỗ trợ thải độc, tăng cường thị giác, giảm cân,… Loại cải này thường được sử dụng nhiều ở dạng sinh tố, súp, nấu canh,…

10. Cải xoong

Cây cải xoong có nguồn gốc ở châu Âu được nhập vào trồng ở nước ta từ cuối thế kỷ 19. Loại cải này ưa đất mát và có nhiều nước chảy nhẹ. Ở nước ta, chúng thường trồng nhiều làm rau ăn vụ đông xuân. Cũng gặp cải xoong mọc hoang dại ở lòng suối nước chảy, nước nhiều oxygen.

Thân của cải xoong trôi nổi trên mặt nước và lá của nó là loại lá phức hình lông chim. Cải xoong sản sinh ra các hoa nhỏ màu trắng và xanh lục, mọc thành cụm. Chúng được sử dụng nhiều để xào thịt bò, nấu canh, làm salad.

Mong rằng những thông tin trên đây giúp bạn có thêm kiến thức về rau cải. Phân biệt dễ dàng được các loại rau cải ở Việt Nam và chọn đúng loại rau cho món ăn gia đình.

>>>>>> Xem thêm: 4 cách nấu chè đậu đỏ thơm ngon

Nhập bình luận

Kết bạn cùng Bếp nhé!

Bếp sẽ gửi cho bạn những nội dung đặc biệt hữu ích.