Top những món dưa chua quen thuộc, dễ làm cho cả nhà chống ngán ngày Tết

Dưa chua luôn là một trong những món quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của mỗi gia đình Việt. Hương vị chua chua, ngọt ngọt, giòn thơm giúp bữa ăn thêm ngon và chống ngán hiệu quả. Đây còn là những thực phẩm có lợi cho cơ thể đã nạp quá nhiều đạm với những món như thịt kho, bánh chưng, bánh tét… Cùng Bếp thực hiện những món dưa chua đơn giản nhưng ngon miệng lại đảm bảo an toàn cho cả nhà dịp Tết đến Xuân về này nhé!

1. Dưa kiệu

Củ kiệu trắng giòn ăn kèm bánh tét hay thịt kho tàu rất hấp dẫn

Những ngày Tết có dĩa củ kiệu chua ngọt cùng thịt nguội, chả lụa, bánh tét hay tô thịt kho trứng là tuyệt vời. Cách làm món này khá đơn giản nhưng để kiệu giòn, giữ được lâu thì cần bí quyết riêng. Bạn nên chọn những củ tươi, xanh, nhỏ vừa phải ít hăng, cay và thấm gia vị nhanh hơn.

Nguyên liệu:

  • 1 kg kiệu.
  • 300 gram đường
  • 80 ml giấm ăn
  • 40 gram muối
  • 1 muỗng canh muối hột

Các bước thực hiện:

  • Ngâm kiệu trong thau nước có muối qua đêm (nếu có tro bếp có thể cho vào) để loại bỏ chất dơ và giúp thành phẩm giòn hơn.
  • Rửa nước sạch nhiều lần rồi cắt bỏ rễ, phần chân và lột vỏ, rửa lại rồi đem đi phơi nắng 1 ngày. Lưu ý khi gọt bạn không nên gọt sát vào phần thịt kiệu tránh bị úng lúc ngâm.
  • Nấu sôi hỗn hợp nước, đường, muối và giấm. Sau đó, đợi hỗn hợp nguội tắt bếp.
  • Xếp kiệu vào hũ thủy tinh theo từng lớp, cho hỗn hợp giấm đường vào ngập mặt kiệu và đậy kín nắp lại. Bảo quản nơi thoáng mát là có thể thưởng thức sau 3 ngày.

2. Dưa hành

Dưa hành dân dã nhưng được nhiều người yêu thích

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo…là những điểm đặc trưng cho văn hóa ngày Tết. Những chiếc bánh chưng xanh sẽ hấp dẫn hơn nếu có dĩa dưa hành trắng giòn chua ngọt ăn kèm. Cách thực hiện món dân dã này lại dễ dàng là có ngay món ngon giúp tiêu hóa tốt ngày đầu năm.

Nguyên liệu:

  • 600gram củ hành trắng
  • 200ml nước lọc
  • 400ml giấm ăn
  • 80gram muối
  • 100gram đường
  • nước vo gạo

Cách làm:

  • Củ hành mua về cho vào thau nước vo gạo ngâm qua đêm.
  • Bỏ rễ, bóc vỏ hành rồi cho vào thau nước cho pha muối rửa. Sau đó cho ra rổ cho thật ráo nước.
  • Chuẩn bị nồi cho giấm, đường, nước lọc, muối vào nấu sôi. Khi đường và muối tan hết thì tắt bếp để nguội.
  • Xếp hành vào hũ thủy tinh, dùng que tre chèn lên mặt trước để hành không bị nổi lên mặt nước. Đổ nước giấm nguội vào và để nơi khô ráo khoảng 3-4 ngày là dùng được.

3. Dưa giá

Dưa giá giúp mâm cơm ngày Tết ngon miệng hơn

Giá vốn là loại rau giúp cơ thể thanh mát, đặc biệt là vào những thời điểm cơ thể nạp quá nhiều chất béo như Tết. Lưu ngay công thức được chia sẽ dưới đây để vô bếp thực hiện nhé chị em. Món này có thể ăn hằng ngày cùng thịt kho, cá kho cũng rất đưa cơm đấy nhé.

Nguyên liệu:

  • 1 kg giá đỗ
  • 2 củ cà rốt
  • 1 nắm lá hẹ
  • 1 năm rau răm
  • 7-8 tép tỏi
  • 3-4 quả ớt
  • 1 nhánh gừng
  • Gia vị: muối, đường, nước nấu sôi để nguội, nước vo gạo (lấy nước vo của lần 3).

Các bước thực hiện:

  • Giá nhặt bỏ rễ, rửa sạch để ráo nước. Cà rốt gọt vỏ, bào sợi hoặc xắt sợi nhỏ. Hẹ rửa sạch, xắt khúc vừa ăn. Rau răm rửa sạch, xắt nhỏ. Gừng cạo vỏ thái sợi.
  • Hỗn hợp ngâm: pha 1,5 lít nước nấu sôi dể nguội, 4 muỗng canh đường, 2 muỗng canh muối, 1 chén ăn cơm nước vo gạo. Khuấy đều cho tan gia vị. Ớt tỏi xắt lát mỏng.
  • Lần lượt cho cà rốt, giá, rau răm, hẹ, tỏi, ớt và gừng vào hỗn hợp ngâm. Trộn nhẹ tay và giữ nguyên trong 30 phút.
  • Chuẩn bị hũ thủy tinh thật sạch, 1 tiếng sau cho hỗn hợp vào và đậy nắp lại. Bảo quản nơi khô thoáng sau 2 ngày là dùng được.

4. Dưa cải chua

Dưa cải muối chua có thể kết hợp nhiều món ngon

Dưa cải chua vàng ươm, chua chua ngọt ngọt trộn cùng tỏi ớt ăn cùng thịt cá kho rất ngon. Lại tốt cho sức khỏe nhất là vào những thời điểm lễ Tết cơ thể tăng cân bởi những món nhiều năng lượng. Ngoài ra, món này có thể kho cùng heo quay, nấu canh, xào hay chiên cùng trứng. Nếu bạn không yên tâm về những cây cải chua bán sẵn cùng BepXua tự tay thực hiện nhé.

Nguyên liệu:

  • 1 kg cải
  • 20 gram đường
  • 60 gram muối hột
  • 1 lít nước ấm

Cách muối dưa cải

  • Chọn những cây cải bẹ lá to, không bị sâu úa. Rửa sạch sau đó đem phơi ngoài nắng 1 ngày.
  • Rửa sạch lại với nước nhiều lần, cắt cải thành từng khúc nhỏ vừa ăn và để cho ráo.
  • Pha nước muối: Cho vào tô nước ấm lượng muối và đường theo tỷ lệ trên, dùng đũa khuấy cho gia vị tan.
  • Chuẩn bị hũ thủy tinh sạch, cho cải vào rồi đổ nước muối vào hũ. Kiểm tra cải phải ngập dưới nước hoàn toàn. Đậy nắp kín và để nơi thoáng mát khoảng 4 ngày là dùng cải chua được.

5. Dưa leo muối chua

Dưa leo giòn chua chống ngán những ngày Tết

Chọn những trái dưa leo nhỏ, tươi mới sẽ giúp thành phẩm giòn ngon hơn. Món này cực kỳ đơn giản lại có thể ăn cùng nhiều món. Trổ tài thực hiện ngay chiêu đãi cả nhà những ngày Tết hạnh phúc và sum vầy thôi chị em ơi.

Nguyên liệu:

  • 600 gram dưa leo
  • 20 gram muối
  • 400ml giấm ăn
  • 60 gram đường
  • 6 trái ớt

Các bước thực hiện:

  • Dưa leo, ớt bỏ cuống, rửa sạch, để ráo nước.
  • Bắt 200ml nước lọc lên đun sôi, cho vào tô cùng đường, giấm và muối. Khuấy đều cho tan gia vị rồi để thật nguội.
  • Rửa sạch và khô hũ thủy tinh, xếp dưa leo và ớt vào. Đổ nước giấm vào hũ cho ngập mặt dưa. Đậy nắp lại kín rồi ngâm dưa khoảng 2-3 ngày dưa chuyển sang màu vàng là ăn được.

6. Dưa chua củ cải trắng và cà rốt

Củ cải trắng và cà rốt chua ngọt

Đây là món dưa chua quen thuộc trong bữa cơm gia đình, cơm tấm hay các món ăn vặt đường phố. Nếu gia đình bạn đều mê mẩn món này thì hãy dành chút thời gian. Tự tay làm món đồ chua siêu dễ với hai màu trắng đỏ bắt mắt cho mâm cỗ thêm tròn vị.

Nguyên liệu:

  • 500 gram củ cải trắng và cà rốt
  • 250ml giấm ăn
  • 250ml nước lọc
  • 1 muỗng cafe muối
  • 50 gram đường

Cách muối

  • Bắt nồi lên bếp, cho vào hỗn hợp giấm, nước và đường vào nấu sôi. Khi đường tan tắt bếp để nguội.
  • Củ cải trắng và cà rốt gọt vỏ, xắt thành sợi hoặc xắt lát mỏng tùy sở thích. Cho vào tô rồi cho 1 muỗng cafe muối và trộn đều trong 30 phút.
  • Chuẩn bị hũ thủy tinh sạch, ráo rồi cho củ vào. Đổ hỗn hợp nước giấm vào và khoảng 2 ngày là có thể dùng được.

7. Dưa rau muống

Rau muống ngâm chua giòn ngon

Rau muống ngâm chua giòn ngon và vị chua kích thích vị giác. Đặc biệt khi kết hợp cùng thịt kho tàu cho mâm cơm ngày 30 Tết đậm đà. Cách làm lại đơn giản với bó rau muống đồng rẻ tiền là bạn đã có món hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • 600 gram rau muống
  • 300 ml giấm ăn
  • 300 gram đường phèn
  • 10 gram muối
  • 100 gram tỏi, ớt

Cách làm:

  • Nấu nước giấm: bắt nồi lên cho hỗn hợp giấm, đường và muối vào. Nấu đến khi đường tan hoàn toàn thì tắt bếp để nguội.
  • Rau muống mua về nhặt bỏ hết phần lá chỉ giữ phần cọng. Rửa sạch và cắt đoạn nhỏ vừa ăn. Tỏi bóc vỏ, để nguyên nếu tép nhỏ hoặc xắt lát. Ớt rửa sạch, bỏ cuống.
  • Trụng sơ rau muống: bắt nồi nước sôi cho tí muối vào trụng rau sơ qua. Vớt rau cho vào tô nước đá ngâm khoảng 10 phút rồi vớt ra để thật ráo.
  • Cho rau muống, tỏi, ớt vào hũ thủy tinh đã rửa sạch. Đổ nước giấm vào ngập, có thể cho bọc nilong nước vào bên trên để tránh dưa nổi lên mặt nước. Sau vài ngày dưa chua và thấm là có thể dùng được.

8. Dưa hành tím

Dưa hành tím đẹp mắt lại tốt cho tiêu hóa

Chọn mua những củ hành tím Lý Sơn tươi, củ vừa, sẽ cho thành phẩm hấp dẫn, cay và giòn. Cùng một chút bí quyết giữ cho dưa không bị đóng ván và bảo quản được lâu. Ăn kèm món khác vừa giải ngấy, tăng cảm giác ngon miệng lại dễ tiêu hóa.

Nguyên liệu:

  • 500 gram hành tím
  • 100 gram đường
  • 50ml giấm
  • 3 muỗng cafe muối
  • nước vo gạo (lấy nước thứ 3 lúc vo gạo)

Cách thực hiện:

  • Ngâm hành tím ở trong nước vo gạo qua đêm để hành bớt hăng, giòn hơn.
  • Bóc vỏ củ hành rồi rửa lại với nước lạnh và cho vào rổ cho ráo nước.
  • Pha hỗn hợp ngâm: Cho vào nồi 1 lít nước lọc, đường, giấm và muối nấu sôi. Khuấy đều cho tan gia vị rồi tắt bếp và để nguội.
  • Cho hành tím vào hũ thủy tinh đã tráng qua nước sôi. Đổ nước giấm vào hũ ngập mặt hành. Để vài ngày ở nơi thoáng mát là dùng được.

9. Dưa cà pháo

Hũ dưa cà pháo bắt mắt cho ngày Tết thêm rộn ràng

Cà pháo muối dưa đang là món khoái khẩu của không ít người. Bất kể ngày Tết hay mâm cơm hàng ngày, đây đều là món được lòng mọi người. Chị em hãy chuẩn bị hũ cà pháo ngon, giòn, chua cay cùng Bếp nhé!

Nguyên liệu:

  • 1 kg cà pháo
  • 3 củ tỏi
  • 10 trái ớt
  • 1 nhánh gừng
  • muối
  • đường

Quá trình thực hiện:

  • Cà pháo mua về phơi ngoài nắng khoảng 2 tiếng, sau đó cắt cuống và ngâm trong nước muối để loại bỏ chất độc.
  • Sau đó, rửa sạch cà, chẻ đôi hoặc để nguyên trái cho vào rổ cho thật ráo nước. Tỏi lột vỏ, đập dập, ớt bỏ cuống, rửa sạch và xắt lát. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi.
  • Pha hỗn hợp nước muối: bắt nồi lên bếp cho 1 lít nước, 1 muỗng canh đường và 3 muỗng canh muối nấu sôi tắt bếp và để nguội.
  • Chuẩn bị hũ thủy tinh sạch, cho vào 1 lớp muối, tỏi, 1 lớp cà pháo. Và lớp muối, tỏi và cà đến khi hết nguyên liệu. Đổ phần nước ngâm vào rồi cho gừng và ớt vào. Có thể dùng túi nước nhỏ để vào hũ để tránh cà pháo nổi lên mặt nước. Đậy hũ kín và để ở chỗ khô ráo và dùng sau 3-4 ngày.

10. Dưa bắp cải

Dưa bắp cải giải ngấy những ngày đầu năm mới

Nếu cả gia đình đều là tín đồ của bắp cải ngon ngọt và bổ dưỡng. Vậy Bếp sẽ gợi ý cho bạn biến tấu món dưa bắp cải chua ngọt và giòn ngon. Góp phần tạo những bữa ăn hấp dẫn trong dịp Tết Nguyên Đán hay ngày thường.

Nguyên liệu:

  • 800 gram bắp cải
  • 200 gram cà rốt
  • 10 gram rau răm
  • 1 củ hành tím
  • 60 gram muối
  • 80 gram đường
  • 1 lít nước vo gạo (lấy nước vo thứ 3)

Các bước thực hiện:

  • Loại bỏ lá sâu, hư rồi tách bắp cải cho vào thau nước muôi pha loãng ngâm 10 phút. Rửa lại với nước sạch nhiều lần, xắt sợi hoặc miếng tùy sở thích và cho vào rổ cho ráo.
  • Tương tự cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt sợi hay miếng theo ý thích. Hành tím lột vỏ, xắt lát. Rau răm rửa sạch, để ráo rồi xắt nhỏ.
  • Bắt nồi lên bếp, cho vào 1 lít nước lọc và nước vo gạo. Nấu sôi 10 phút rồi chỉnh lửa nhỏ cho muối và đường vào. Đảo nhẹ cho tan gia vị rồi tắt bếp và để thật nguội.
  • Cho bắp cải, cà rốt, rau răm, hành tím vào hũ. Đổ nước vo gạo đã nguội vào ngập mặt. Sau 3-4 ngày là có thể dùng được.

11. Dưa măng chua

Dưa măng chua ăn kèm các món thịt mỡ ngày Tết

Ăn quá nhiều thịt mỡ, món chiên nướng hay bánh ngọt khiến bạn ngán ngẫm. Dĩa măng chua sẽ giúp cơ thể cân bằng lại dưỡng chất. Lại tiêu hóa tốt hơn cho những ngày Tết sum vầy cùng gia đình và bạn bè sắp đến.

Nguyên liệu:

  • 1 kg măng tươi
  • 100 gram tỏi
  • 100 gram ớt hiểm
  • Gia vị: muối, đường.

Các bước làm:

  • Mua loại búp măng tre ít đắng, tươi, mới. Loại bỏ lớp bên ngoài, cắt phần gốc. Rửa sạch rồi thái từng lát vừa ăn. Sau đó ngâm trong nước muối khoảng 6 tiếng. Cách 2 tiếng nên thay nước muối 1 lần để loại bỏ độc tố và giữ thành phẩm lâu hơn. Sau đó, vớt măng ra rổ cho thật ráo nước.
  • Tỏi bóc vỏ, thái lát mỏng. Ớt bỏ cuống, rửa sạch, xắt lát chéo. Hũ thủy tinh chần qua nước sôi, để thật ráo nước.
  • Nấu 1 lít nước sôi, cho vào thau. Cho 3 muỗng canh muối, 1/2 muỗng canh đường vào, khuấy tan rồi để thật nguội.
  • Cho lớp măng, tỏi, ớt vào hũ, đổ nước ngâm vào ngập măng. Đậy nắp hũ lại và để khoảng 5-7 ngày là có dĩa măng chua hấp dẫn.

12. Dưa su hào

Dưa su hào lạ miệng cho mâm cơm ngày Tết

Su hào sợi giòn giòn, vị chua chua mặn ngọt và cay cay tạo hương vị mới lạ. Vừa chống ngán lại khiến mọi người thích thú bởi món dưa chua độc đáo này. Bắt tay vào thực hiện ngay món này cùng Bếp thôi cả nhà ơi!

Nguyên liệu

  • 2 củ su hào
  • 1 củ cà rốt
  • 3 tép tỏi
  • 700ml giấm
  • Gia vị: muối, đường, bột ớt

Cách làm:

  • Nấu hỗn hợp ngâm: bắt nồi lên cho giấm, 30 gram đường và 30 gram muối vào nấu sôi. Gia vị tan thì tắt bếp và để nguội.
  • Su hào, cà rốt gọt bỏ, rửa sạch. dùng dao cắt rau củ xắt dạng que đẹp mắt.
  • Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn cho vào hũ thủy tinh đã rửa sạch cùng su hào và cà rốt. Đổ nước ngâm vào ngập mặt su hào. Rắc bột ớt với lượng tùy thích vào rồi đậy kín và dùng sau 2-3 ngày.

13. Dưa sung muối

Sung muối lạ miệng cho cả nhà ngày Tết

Sung vốn là loại trái ăn vặt phổ biến và có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Nếu bạn đang có sẵn những trái sung chua ngọt. Hãy tận dụng tạo món dưa sung muối lạ miệng đãi khách dịp Tết cho cả năm sung túc nhé.

Nguyên liệu:

  • 1 kg sung tươi
  • 200 gram muối
  • 40 gram đường
  • Tỏi, ớt (tùy sở thích chuẩn bị nhiều hay ít)

Các bước thực hiện:

  • Cắt bỏ cuống sung, rửa sạch. Cắt ra làm hai hoặc làm 4 tùy trái nhỏ hay lớn. Ngâm vào nước muối pha loãng 20 phút. Sau đó rửa lại 2-3 lần nước và để vào rổ cho ráo nước.
  • Tỏi bóc vỏ, xắt lát. Ớt bỏ cuống, rửa sạch, xắt lát xéo.
  • Pha nước ngâm: bắt nồi nước sôi lên, cho vào 150 gram muối và 40 gram đường cho tan gia vị rồi tắt bếp và để thật nguội.
  • Cho sung vào hũ thủy tinh, đổ nước ngâm đã nguội hoàn toàn vào. Sau đó cho tỏi ớt vào đậy nắp và ăn sau 3-4 ngày.

14. Dưa kim chi

Kim chi được nhiều người yêu thích bởi độ giòn cay

Nếu các thành viên nhà bạn muốn tìm món lạ miệng so với các món dưa chua truyền thống. Kim chi cải thảo có nguồn gốc từ Hàn Quốc sẽ là gợi ý tuyệt vời. Với vị cay cay, chua chua đặc trưng thích hợp cho ngày Tết.

Nguyên liệu:

  • 1 kg cải thảo
  • 2 cây hành lá
  • 50 gram hẹ
  • 15 gram tỏi
  • 5 gram gừng
  • Gia vị: muối, nước mắm, bột ớt

Cách làm:

  • Cải thảo tách lá, cắt đôi dọc theo thân lá rồi cắt chéo. Ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo.
  • Cho cải thảo vào thau lớn, rắc 45 gram muối đều lên. Và để trong 45 phút cho cải mềm.
  • Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn, gừng cạo vỏ, xắt sợi. Hành lá, hẹ rửa sạch, cắt khúc vừa ăn.
  • Pha hỗn hợp nước: chuẩn bị chén cho vào 30ml nước lọc, 45ml nước mắm và 60 gram bột ớt, tỏi và gừng vào rồi khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện vào nhau.
  • Cải thảo vớt ra, rửa lại vài nước và để cho ráo nước.
  • Đổ hỗn hợp gia vị vào cải thảo, đeo bao tay trộn đều rồi cho hành lá, hẹ vào. Cho vào hộp thủy tinh 2-3 ngày có thể dùng được.

15. Dưa chuối xanh

Dưa chuối xanh dân dã nhưng hấp dẫn

Dưa chuối xanh chua chua, giòn giòn cùng chút vị chát sẽ giúp bạn đánh bay cảm giác ngán mỡ. Món dưa chua độc đáo và lạ miệng này lại có thể tận dụng từ những quả chuối xanh sau vườn. Vừa tiện lợi lại có món ngon cho ngày Tết thêm ngon miệng.

Nguyên liệu:

  • 10 trái chuối xanh
  • 2 trái chanh
  • 1 muỗng canh gừng băm
  • 1 muỗng cafe tỏi băm
  • 3 trái ớt băm
  • Gia vị: đường, muối, giấm

Cách làm:

  • Chanh cắt đôi, vắt nước cho vào thau nước cùng 2 muỗng canh giấm. Chuối xanh tước hết vỏ, rửa sạch rồi cho vào thau nước đã chuẩn bị ngâm 10 phút.
  • Vớt chuối ra cắt những đường chéo lên thân rồi ngâm lại.
  • Bắt nồi nước sôi lên, trụng chuối sơ qua. Rồi cho vào thau nước đá lạnh.
  • Pha hỗn hợp nước ngâm: bắt nồi lên bếp cho 1 lít nước, 1 chén đường, giấm và 1/3 chén muối vào khuấy đều cho tan rồi tắt bếp để nguội
  • Vớt chuối ra ngoài, dùng tay vắt hết nước trong chuối.
  • Xếp chuối vào hũ thủy tinh, đổ nước giấm vào ngập chuối. Đậy nắp và để nơi thoáng mát sau 2 ngày là dùng được.

Lời kết

Dưa chua đẹp mắt và ngon miệng là một trong những món độc đáo trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Việt. Các món dưa này với cách làm đơn giản lại tiết kiệm cho mâm cỗ đầu năm thêm tròn vị. Một lưu ý nhỏ là chị em nên kiểm tra các loại rau củ phải ngập dưới nước ngâm chua ngọt. Và bảo quản hũ dưa trong ngăn mát tủ lạnh để giữ được lâu cho cả nhà dùng dần nhé.

Nhập bình luận

Kết bạn cùng Bếp nhé!

Bếp sẽ gửi cho bạn những nội dung đặc biệt hữu ích.