
Vải là thức quả của mùa hè. Vải có rất nhiều công dụng cho sức khỏe như ngăn ngừa ung thư, phòng ngừa các bệnh về tim mạch, giảm cháy nắng, hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch cũng như giúp làm đẹp cho mái tóc,… Ngoài ăn trực tiếp, vải cũng có thể được chế biến thành các cốc siro thơm ngon mát lạnh giúp giải nhiệt mùa hè.
Siro vải: thức uống giải nhiệt cho mùa hè
Chuẩn bị nguyên liệu
- Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) hoặc vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) : 1kg (đã bóc vỏ, bỏ hạt) hoặc 1.5kg (vải còn cành, vỏ và hạt)
- Nước lọc: 500 ml
- Đường cát trắng: 800 gram
- Lọ thủy tinh
- Các dụng cụ để nấu nướng
Cách làm siro vải thơm ngon mát lành
Bước 1: Với vải còn nguyên vỏ, bạn tiến hành bỏ vỏ, tách hạt. Cách tách hạt vải đơn giản nhất là dùng mũi dao khía một vòng quanh hạt rồi nhẹ nhàng tách bỏ hạt sẽ được cùi vải rất đẹp.
Lưu ý nên chọn những quả vải tươi, chín đỏ đều, vỏ nhẵn, to tròn, cầm nặng tay và không bị sâu đầu. Ngoài ra, vải phải có cùi dày, mọng nước thì khi làm siro mới đạt chất lượng, miếng vải sau khi ngâm mới giữ được độ giòn, độ ngọt.
Bước 2: Pha nước muối 30%, tương đương tỷ lệ 30 gram muối trong 1 lít nước đun sôi để nguội. Tiếp đó, xếp cùi vải vào hộp, đổ nước muối đã pha cho ngập cùi vải đã xếp, ngâm trong vòng 60 phút. Bạn cũng có thể để hộp cùi vải đang ngâm muối vào ngăn mát tủ lạnh trong suốt 60 phút đó để trái vải giữ được độ giòn.
Kết thúc thời gian ngâm vải, bạn trút vải ra rổ và để cho ráo nước. Bạn cũng có thể xả qua cùi vải với nước lạnh cho hết vị mặn hoặc không tùy ý thích. Lưu ý nên để cùi vải thật ráo nước trước khi làm siro vải. Nếu cùi vải vẫn còn nước, đặc biệt nước lã sẽ rất nhanh hỏng, thối, nổi váng, làm phí hoài lọ siro bạn cất công làm cho cả gia đình.
Bước 3: Hòa 800 gram đường với 500 ml nước sôi, cho lên bếp tiếp tục đun đến khi nước đường hơi sánh lại, bạn khuấy thấy hơi nặng tay thì cho cùi vải đã ráo nước vào. Tiếp tục đun thêm chừng 5 đến 7 phút thì tắt bếp, bắc nồi ra khỏi bếp.
Bước 4: Nhanh tay đổ nồi cùi vải đun với đường vào lọ thủy tinh có nắp kim loại. Lưu ý nên đổ ngập nước vải đến tận miệng. Nhanh tay đóng nắp các lọ siro vải ngay khi còn nóng. Nên đóng thật chặt tay rồi để các lọ thủy tinh đó nguội tự nhiên. Khi các lọ siro vải nguội sẽ tự hình thành lực hút chân không để bảo quản vải theo cách tự nhiên trong vòng 12 tháng.
Tiếp đó, bạn đem luộc lại thêm một lần trong nước sôi để đảm bảo lực hút chân không trong lọ là cao nhất, tránh siro vải bị hỏng do các vi khuẩn ưa khí cư trú trong đó.
Bạn cũng có thể đợi siro vải thật nguội rồi mới đổ vào lọ thủy tinh. Tuy nhiên, với cách này, siro vải chỉ có thể sử dụng tối đa trong vòng 6 tháng.
Lưu ý trước khi cho vải vào trong hộp thủy tinh, bạn phải chắc chắn rằng lọ đựng đó đã thật sạch và khô nước.
Thưởng thức thành quả với cốc siro vải thơm ngon mát lành
Siro sau khi làm xong và để nguội, bạn nên cho vào trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và dùng dần.
Để thưởng thức siro vải, bạn chỉ cần múc một lượng vừa đủ siro cho ra cốc, hòa thêm nước và thêm đá bào là đã được một cốc nước mát lạnh để cung cấp năng lượng và giải nhiệt cho mùa hè.
Siro vải có thể sử dụng trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm nên bạn có thể tận dụng đợt vải chín rộ trong mấy tháng hè để làm và sử dụng. Thức uống siro vải cho mùa hè vừa ngon, mát lại rẻ chắc chắn sẽ không làm bạn và mọi người thưởng thức phải thất vọng.
Ngoài siro vải, trong chính vụ vải, bạn có thể mua vải về để đổi món cho gia đình mình với những món như bánh rán mặn nhân vải, bánh vải bọc bột chiên xù, canh mướp đắng vải thiều, cháo vải hạt sen, chè vải hạt sen, chè vải đậu xanh, chè vải rau câu, hay cooktail vải,… Vô vàn món ngon từ vải đang chờ bạn chế biến và thưởng thức.
Leave a Reply