Mẹo muối dưa cải ngon, vừa giòn vừa vàng đẹp mắt

Dưa muối là món ăn truyền thống của các gia đình Việt. Tuy nhiên không phải ai cũng khéo léo muối được hũ dưa ngon đúng chuẩn. Mẹo muối dưa cải ngon, vừa giòn vừa vàng đẹp mắt dưới đây sẽ giúp bạn hiểu lý do vì sao muối dưa chưa ngon và hoàn thêm thêm kỹ năng của mình.

Cách chọn cải để muối dưa

Trước khi muốn một hũ dưa cải ngon, bạn cần phải chọn được cải ngon. Cải muối dưa ngon là cải bẹ với các đặc điểm cả lá và cuống đều dày, cứng chắc, có thể cay, nồng rất mạnh.

Bạn nên chọn cây già, loại không bón phân và tưới ít nhất nửa tháng rồi. bạn đừng nên chọn cây quá xanh non, vì khi muối cải lâu chua, cay nồng và ăn không được giòn. Ngoài ra cải già sẽ giúp dưa ổn định hơn không dễ bị ủng, thối.

Làm sao để khi muối dưa giòn và không bị khú, hỏng?

Nguyên tắc thứ nhất: Phải phơi héo cải

Sau khi sơ chế và rửa sạch, bạn mang dưa cải đem phơi nắng khoảng nửa ngày để rau héo lại. Nếu không có nắng thì bạn có thể phơi gió trong 1 ngày cũng được. Công đoạn này có tác dụng làm giảm hàm lượng nước trong dưa, khi muối dưa ít bị khú hơn. Dưa cũng vì thế mà giòn dai hơn.

Nguyên tắc thứ hai: Mọi thứ đều phải khô ráo

Đây là nguyên tắc đặc biệt quan trọng. Mọi thứ cần khô ráo tức là mọi thứ liên quan đến muối dưa, bao gồm dưa cải, bình muối dưa, vỉ chè dưa, dụng cụ nén… Tất cả đều phải được rửa thật sạch, tiệt trùng bằng cách ngâm hoặc luộc trong nước sôi. Sau đó và đảm bảo chúng hoàn toàn được khô ráo trước khi tiến hành muối. Chú ý cả cả tay bạn khi muối nữa cũng phải khô, không còn dính nước lã. Việc chúng còn ẩm ướt sẽ dễ khiến dưa bị lên màng, làm hỏng dưa.

Nguyên tắc thứ 3: Pha nước muối dưa đúng tỷ lệ 

Nước sử dụng để muối dưa phải là nước đun sôi để nguội. Điều này thì hẳn là bạn đã biết. Tuy nhiên còn một điều quan trọng nữa là bạn nên áp dụng công thức pha gia vị đúng chuẩn. Quá nhạt hoặc quá nhiều đường đều sẽ khiến dưa dễ bị hỏng, trong khi quá nhiều muối sẽ khiến dưa bị mặn.

Có nhiều tỷ lệ pha khác nhau tùy vào kinh nghiệm của từng người. Tuy nhiên, để dễ nhớ nhất, bạn có thể chọn công thức cơ bản như sau: 1:3:1 (1 lít nước, 3 thìa muối hạt, 1 thìa đường). Sau khi pha, bạn có thể nêm nếm để khi cảm thấy vừa miệng nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm 1 thìa dấm hoặc nước chanh để quá trình lên men được diễn ra nhanh hơn.

Lưu ý, lượng nước muối dưa phải đảm bảo ngập hết dưa, vì vậy bạn cần căn cứ vào lượng dưa để ước lượng nước cho phù hợp. 

Nguyên tác thứ 4: Phải nén chặt dưa

Trong dưa muối có vi khuẩn lactic. Chúng sẽ chuyển hóa các chất đường trong nguyên liệu thành axit lactic, mang lại vị chua cho dưa và các phẩm phụ khác như axit axetic, rượu etylic, các ester, acetaldehyd giúp dưa có mùi hấp dẫn. Tuy nhiên, trong dưa, cà muối, còn có các sinh vật gây hại khác như vi khuẩn gây thối, nấm men, nấm mốc.

Vi khuẩn lactic là vi khuẩn kỵ khí tùy nghi, nghĩa là chúng phát triển không cần thiết phải có oxy không khí. Trong khi đó, các loại vi sinh vật có hại kể trên lại hoạt động trong điều kiện hiếu khí, khi không có không khí thì không phát triển được. Do đó, khi muối dưa cà cần phải nén thật chặt để tạo điều kiện cho vi khuẩn lactic hoạt động và hạn chế các vi sinh vật có hại hoạt động làm hỏng dưa bạn nhé.

Làm sao để dưa có màu vàng đẹp mắt?

Thông thường, khi muối lên dưa có màu xanh hơi ngả vàng. Tuy nhiên để dưa lên màu vàng sáng đẹp mắt hơn, bạn có thể áp dụng một mẹo nhỏ như sau: Thay vì sử dụng đường kính trắng, bạn nên dùng đường cát vàng. loại này khi pha vào nước sẽ có màu vàng. Vì vậy khi muối dưa chúng sẽ giúp lên màu vàng ấn tượng hơn.

Trên đây là những bí quyết muối dưa cải ngon, vừa giòn, vừa có màu vàng đẹp mắt. Dưa muối là thực phẩm mà hầu như bà nội trợ nào cũng có thể làm. Tuy nhiên để đảm bảo một hũ dưa ngon hoàn hảo, hãy áp dụng thêm các mẹo nhỏ như trên bạn nhé.

Nhập bình luận

Kết bạn cùng Bếp nhé!

Bếp sẽ gửi cho bạn những nội dung đặc biệt hữu ích.