Bún sạch

Cách nhận biết bún sạch và bún nhiễm hóa chất

Vì lợi nhuận, rất nhiều cơ sở sản xuất đã thêm các chất cấm có hại vào bún, phở, nhằm tạo sức hấp dẫn và tăng thời gian sử dụng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng. Dưới đây là cách nhận biết bún sạch và bún bẩn, giúp bà nội trợ phần nào hạn chế việc mua phải những thực phẩm độc hại cho gia đình.

Các chất cấm thường dùng trong bún, phở là gì?

Bún, phở đều được làm từ thuần gạo, tuy nhiên để tăng lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất bún phở đã bất chấp hậu quả, cho thêm một số chất cấm vào nhằm làm đẹp, bắt mắt và bảo quản được trong thời gian dài. Trong đó, hai chất cấm được sử dụng phổ biến là Tinopal (huỳnh quang) và hàn the.

Huỳnh quang là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy để tạo ra màu óng ánh, đẹp. Chính vì thế, nhiều người đã dùng loại hóa chất dùng trong công nghiệp này để pha vào sản xuất bún bởi nó tạo độ bóng bẩy, trắng sáng, làm cho sợi bún hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên huỳnh quang rất hại cho cơ thể vì nó chứa nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Sử dụng lâu dài sẽ gây tích tụ các tồn dư kim loại này rất nguy hiểm. Trước hết chúng làm hại đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể làm tổn thương những mao mạch, khiến cơ thể khó hấp thụ, tiêu hóa thức ăn. Nếu sử dụng lâu dài, chất này tích tụ có thể gây suy thận, gan và dẫn đến ung thư.

Còn hàn the cũng là hóa chất bị cấm sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm. Dùng thức ăn có chứa hàn the lâu dài, chất này tích tụ gây ngộ độc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên nhiều kẻ làm ăn bất chính đã cố tình cho thêm hàn the vào bún phở nhằm tạo độ giòn, dai, không bết dính, giúp sợ bún tròn mẩy, đẹp mắt hơn.

Làm sao để phân biệt “bún sạch” và “bún “bẩn”

Theo các chuyên gia, một khi bún bị nhiễm hóa chất như trên, không có cách nào giúp làm giảm bớt các độc tố gây hại. Vì vậy cách tốt nhất là khi mua bạn cần là người nội trợ thông thái để nhận biết bún có sạch hay không. Bạn có thể phân biệt bún sạch và bún bị pha hóa chất theo các yếu tố sau:

Về màu sắc

Bún chứa huỳnh quang có màu trắng bóng, sáng óng ánh, đẹp mắt, nhất là khi đưa ra ngoài ánh sáng mặt trời. Còn bún sạch được làm theo phương pháp truyền thống, thì có màu trắng ngà hoặc màu trắng đục, có thể hơi tối màu.

Về độ dai, kết dính của sợi bún

Bún chứa huỳnh quang hoặc hàn the có độ dai, giòn, ít kết dính và rất khó đứt gãy, để được rất lâu vẫn không bị hỏng. Còn bún sạch không chứa hóa chất có độ mềm, hơi nhuyễn, khi chạm tay vào cảm giác hơi dính. Các sợi dễ bị đứt gãy và khi đứt gãy nếu dính vào tay không dễ rơi ra. Bún sạch để lâu trong ngày hoặc để qua đêm không được bảo quản tốt rất dễ bị chua, ôi thiu do không có chất bảo quản.

Về hương vị

Bún bị sử dụng hóa chất không còn mang mùi đặc trưng của bột gạo, khi nhai cũng hầu như không nhận ra mùi vị của bún, hầu như không có mùi vị. Bún để lâu trong nhiệt độ cao ngoài trời cũng không lên mùi chua thiu. Khi bị hỏng,biểu hiện của chúng là chuyển sang màu xanh và khô cứng.

Còn bún sạch không chứa hóa chất khi ăn chúng ta dễ nhận ra mùi tinh bột quen thuộc.Chúng mang vị chua tự nhiên của gạo ngâm nhưng mùi chua thanh mà không nặng mùi.

Ngâm bún trong nước

Bún tươi khi ngâm nước lâu sẽ có hiện tượng ngậm nước, mở to ra. Đó chính là đặc tính chung của bột gạo. Còn bún bị pha chất cấm sẽ nguyên vẹn hình hài như ban đầu, không hút nước, cũng không nở to.

Thử bún để kiểm tra độ “sạch” và “bẩn”

Nếu loại bún bạn mua về, để 2-3 ngày trong nhiệt độ bình thường chưa ôi thiu chắc chắn là loại sử dụng hàn the và hóa chất quá liều lượng. Riêng để thử hàn the, bạn có thể dùng que thử được bán sẵn, hoặc dùng bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì có nghĩa là chúng có chứa hàn the.

Lời kết

Trên đây là cách nhận biết bún sạch và bún bẩn qua một số yếu tố dễ thấy. Hi vọng qua bài viết, bạn đã hiểu hơn về tình trạng bún nhiễm hóa chất và biết cách lựa chọn những sản phẩm bún sạch cho gia đình.

Nhập bình luận

Kết bạn cùng Bếp nhé!

Bếp sẽ gửi cho bạn những nội dung đặc biệt hữu ích.