Cách gọt nhanh và sơ chế nha đam giòn, không nhớt, không đắng đơn giản

Nha đam được mệnh danh là thần dược cho sức khỏe và sắc đẹp. Thường xuyên ăn nha đam không chỉ giúp bảo vệ cơ thể, chống oxy hóa mà còn giúp da mịn màng, khỏe mạnh, tươi trẻ. Sau đây là bí quyết giúp bạn gọt nhanh và sơ chế nha đam giòn, loại bỏ nhớt và vị đắng đơn giản, để bạn thường xuyên chế biến cho cả gia đình thưởng thức nhé.

Cách gọt nha đam nhanh chóng

Nha đam có đặc điểm là rất nhiều nhớt, khó cầm trên tay, nên cũng rất khó gọt. Nếu gọt không đúng phương pháp có thể khiến bạn gọt phạm vào khá nhiều phần thịt, hơn nữa có có thể làm bạn bị đứt tay.

Vì vậy, khi gọt nha đam, bạn cần chú ý gọt theo các bước như sau: 

Bước 1: Nếu lá nha đam dài, bạn nên cắt đôi để gọt dễ dàng nhất. Cầm ½ lá trên tay, lấy dao gọt lần lượt hai bên sườn lá. Ở mặt trên, bạn có thể gọt thêm một đường ngay cạnh bên đường mạn sườn nữa luôn, để bước sau dễ dàng gọt bỏ tất cả vỏ ở phần này.

Bước 2: Đặt dao ở lớp vỏ của mặt trên của lá nha đam, nhẹ nhàng lách và hớt sạch lớp vỏ này đi. Lưu ý chỉ gọt lớp vỏ mặt trên chứ không gọt lớp vỏ mặt dưới.

Làm tương tự với các lá còn lại

Bước 3: Đặt lá nha đam đã gọt lớp vỏ phía trên xuống thớt, bạn dùng dao rạch phần thịt nha đam thành những đường thẳng dọc, rồi sau đó là các đường ngang tạo thành những ô cờ. Khi rạch, bạn cần nhẹ nhàng, vừa chạm tới vỏ nha đam phía dưới mà không làm đứt vỏ.

Tùy theo sở thích và mục đích, bạn có thể cắt hình các ô cờ to hay nhỏ. Tuy nhiên, miếng nha đam to thường khi ăn sẽ vẫn có cảm giác nhớt dù sơ chế tốt thế nào. Do vậy tốt nhất bạn chỉ nên thái nhỏ hạt lựu.

Bước 4: Dùng dao lần lượt thái dọc lớp thịt nha đam thành các hạt lựu nhỏ. Không nên thái một lần xuống đến tận bẹ lá bên dưới vì sẽ làm miếng nha đam quá dài và dày. Bạn nên chia và thái thành nhiều lớp, để mỗi miếng nha đam bé như hạt lựu là được.

Lần lượt thái như thế đến tận lớp vỏ dưới cùng. 

Lưu ý: Nhớt của nha đam có thể gây ngứa nên tốt nhất bạn nên đeo găng tay khi thực hiện

Sơ chế để nha đam giòn, không nhớt và không đắng

Bước 1: Nha đam sau khi cắt hình hạt lựu cho vào rổ, cho thêm 1 thìa muối và đem bóp kỹ. Bóp xong bạn rửa với nước để sạch muối và nhớt.

Bước 2: Lấy một thau nước lạnh và cho vào vài muôi đá lạnh. Tốt nhất nên cho thật nhiều đá, sẽ giúp nha đam giòn hơn.

Bước 3: Cho nước vào nồi và đun nước sôi thật già. Tiếp đó đổ tất cả nha đam vào chần. Dùng muôi khuấy vài lượt, sau đó vớt ra ngay lập tức và bỏ ngay vào chậu nước đá. 

Bước 4: Để nguyên nha đam trong chậu nước đá 5 phút. Sau đó, bạn vớt ra để ráo. Nha đam sau khi sơ chế đã hoàn toàn sạch nhớt, hết đắng và rất giòn, bạn có thể chế biến thành các món ăn khác nhau. Phần dùng không hết bạn có thể để trong tủ lạnh để sử dụng dần.

Lời kết

Như vậy là bạn đã hoàn thành xong việc gọt vỏ và sơ chế nha đam giòn, không nhớt và không đắng. Dù nha đam có vẻ rất nhớt và khó làm, nhưng khi có phương pháp đúng thì làm rất nhanh và rất đơn giản phải không? Hãy thường xuyên chế biến món bổ dưỡng này cho gia đình thưởng thức nhé.

Nhập bình luận

Kết bạn cùng Bếp nhé!

Bếp sẽ gửi cho bạn những nội dung đặc biệt hữu ích.