
Khoai tây luôn là một trong những loại củ được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài nguồn dinh dưỡng giàu kali, nó còn chứa nguồn tinh bột và chất xơ phong phú. Cũng giống như những loại rau củ khác, việc lựa chọn và mua được những củ khoai như ý là điều vô cùng quan trọng. Hôm nay, Bếp sẽ bật mí với các bạn cách để mua được những củ khoai tây tươi ngon giàu dinh dưỡng và cách bảo quản khoai tây tươi lâu không bị mọc mầm.
MẸO LỰA CHỌN KHOAI TÂY
Để chọn mua được những củ khoai tây tươi ngon, các bạn nên chọn những củ cầm nặng tay, vỏ mỏng, mịn và không có nhiều đốm nâu đen lỗ chỗ hay nhăn nheo. Bởi những củ có nhiều đốm nâu đen hay nhăn nheo thường đã để lâu ngày và không còn nhiều chất dinh dưỡng.
Các bạn cần chú ý quan sát kĩ để tránh mua những củ khoai có vỏ đã nhú mầm và chuyển sang màu xanh, bởi chúng có độc tố và hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.
Các bạn nên chọn mua những củ khoai còn lành lặn, không sứt sẹo, không bị dập nhũn chảy nước và không có nhiều vết lõm, vì những củ đó sẽ không để được lâu.
Khi chọn khoai tây, mẹo dành cho các bạn là chọn những củ khoai vàng sẽ ngọt và thơm hơi khoai màu trắng, nó giúp cho món ăn của bạn vừa ngon vị và đẹp mắt hơn.
MẸO BẢO QUẢN KHOAI TÂY TƯƠI LÂU, KHÔNG BỊ MỌC MẦM
Bảo quản nơi thoáng mát: Nhiệt độ từ 6-10 độ C là khoảng nhiệt độ bảo quản thích hợp để khoai tây tươi ngon nhất, nó sẽ giữ được độ tươi trong nhiều tháng mà không bị hỏng. Điều kiện nhiệt độ này cũng làm giảm nguy cơ mọc mầm trên thân chúng. Lượng vitamin C trong trong loại củ này cũng được bảo toàn khi bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Tránh để tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời: Ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng huỳnh quang có thể khiến vỏ khoai tây sản sinh chất diệp lục, chuyển sang màu xanh. Dưới điều kiện ánh sáng, diệp lục có thể tạo ra lượng lớn chất hóa học độc hại có tên solanine. Khi các bạn ăn phải khoai chuyển vỏ xanh các bạn sẽ có cảm giác đắng, nóng rát ở miệng hoặc vùng họng. Điều này chứng tỏ các bạn đã bị nhiễm độc.
Không nên bảo quản trong tủ lạnh: Lượng nước bên trong khoai tây có thể nở ra, hình thành các tinh thể phá vỡ cấu trúc thành tế bào khi cho vào tủ lạnh. Hậu quả là những củ khoai tươi ngon bị biến chất và tạo ra độc tố gây nguy hiểm.
Các bạn nên đựng trong túi giấy: Khoai tây cần được bảo quản ở khu vực thông thoáng để ngăn chặn sự tích tụ độ ẩm, tránh nguy cơ bị hư hỏng. Do đó, không nên cất chúng trong hộp kín gió hoặc túi nhựa có khóa kéo.
Không nên rửa trước khi bảo quản: Bụi bẩn trên vỏ khoai tây có thể khiến bạn muốn làm sạch trước khi bảo quản. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy chúng sẽ giữ được lâu hơn nếu bạn để loại củ này hoàn toàn khô ráo, chỉ rửa sạch trước khi chế biến thức ăn. Độ ẩm trên vỏ khoai sau khi rửa có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm và vi khuẩn.
Bảo quản khoai tây đã gọt vỏ : Khoai tây sau khi gọt vỏ, thái lát nếu không sử dụng dụng hết sẽ bị thâm nếu tiếp xúc trực tiếp với không khí. Nguyên nhân chủ yếu do chúng chứa enzyme polyphenol oxyase phản ứng với oxy và làm thâm màu khoai tây. Để ngăn chặn quá trình này, các bạn hãy ngâm khoai tây vào bát nước và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh đến khi lấy ra sử dụng. Tuy nhiên, không nên bảo quản quá 24 giờ vì khoai tây sẽ bị ngấm nước, giảm độ tươi ngon.
Khoai tây là loại củ rất quen thuộc với chúng ta, nhưng không phải ai cũng biết cách lựa chọn và bảo quản tốt chúng. Hôm nay, Bếp đã bật mí cho các bạn những mẹo rất đơn giản để có thể lựa chọn được những củ khoai tây tươi ngon và cách để bảo quản chúng tươi lâu không bị mọc mầm. Hi vọng rằng những kiến thức trên sẽ bổ ích với các bạn. Hãy nhớ áp dụng nó và đừng quên theo dõi Bếp để tích lũy thêm nhiều mẹo nhỏ nấu ăn nhé.
Leave a Reply