
Sau một năm làm việc vất vả, Tết đến là dịp gia đình sum vầy, quây quần bên nhau chia sẻ về một năm đã qua và cùng thưởng những món ăn ngày Tết. Còn gì hạnh phúc hơn việc được cùng nhau ngồi bên mâm cơm đầm ấm, thưởng thức món ngon truyền thống và cùng nhau trò chuyện. Hôm nay, Bếp sẽ chia sẻ với các bạn 5 món ăn khiến cho mâm cơm ngày Tết thêm trọn vị.
BÁNH CHƯNG, BÁNH TÉT
Nhắc đến ẩm thực ngày Tết, bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống không thể không gọi tên. Những chiếc bánh chưng vuông vắn, được gói bằng lá dong hoặc lá chuối với nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, nhân đậu xanh kèm với thịt mỡ ướp tiêu trở thành “linh hồn” của bữa cơm ngày Tết. Nếu như bánh chưng là bánh truyền thống của người Bắc thì bánh tét là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết người miền Nam. Nguyên liệu bánh tét cũng gồm gạo nếp vo sạch, đậu xanh đãi vỏ và thịt mỡ ướp tiêu. Tuy nhiên, bánh tét có hình trụ nhưng hương vị vẫn luôn thơm ngon.
DƯA HÀNH NGÀY TẾT
Trong Đông y, Hành được gọi là “Thông bạch”, vị cay, nóng, có tác dụng thông dương khí đào thải uế khí, giải độc, làm lưu thông khí huyết, kinh lạc. Cho nên các cụ xưa dạy: “Thịt mỡ đi đôi với dưa hành” để ăn trong những ngày Tết là với cái lẽ đó. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành giúp điều hòa hương vị. Không chỉ vậy, món ăn này còn có tác dụng để điều tiết hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa trong trường hợp ăn quá nhiều thứ trong ngày Tết.
CANH KHỔ QUA NHỒI THỊT
Ngày Tết người ta thường nghĩ rằng chỉ ăn thịt, ăn cá hay bánh mứt chứ ai ăn canh rau làm gì. Nhưng nếu như bạn nấu một bát canh rau thì cả nhà sẽ khen tấm tắc vì làm cho mọi người chống ngán với các nhóm thực phẩm kia, bên cạnh còn giúp họ ngon miệng hơn rất nhiều. Canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn ngày Tết được ngầm hiểu rằng đó là sự mong muốn bỏ qua những cơ cực của năm cũ và đón lấy những may mắn sự tốt đẹp hơn trong năm mới sắp đến.
XÔI VÀ CƠM NẾP
Cũng giống như bánh chưng hay bánh tét, món ăn ngày Tết không thể thiếu xôi và cơm nếp. Món ăn này không khó nấu, nguyên liệu cũng đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị gạo nếp ngon, đỗ xanh thêm nước cốt dừa để món ăn thêm thơm ngậy. Khi thưởng thức, miếng xôi chín mềm, ráo nước và mùi thơm hấp dẫn là đúng chuẩn.
THỊT NẤU ĐÔNG
Thịt nấu đông cũng là một món ăn ngày Tết truyền thống trong thực đơn của gia đình Việt dịp năm mới. Trong cái se lạnh của tiết trời Bắc Bộ, miếng thịt đông nhừ ăn kèm dưa hành là sự kết hợp tuyệt vời. Nguyên liệu cho món thịt nấu đông này là thịt chân giò lợn, bì lợn, nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt cùng các loại gia vị, hạt tiêu…
Những món ăn ngày Tết tuy đơn giản như bánh chưng, dưa hành, canh khổ qua… lại được ông cha ta gửi gắm vào đó biết bao ý nghĩa sâu sắc. Món ăn ngày Tết cổ truyền của người Việt thể hiện lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên. Những món ăn luôn đa dạng, phong phú, đầy đủ tượng trưng cho mong muốn năm mới sum vầy, no đủ.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Leave a Reply